Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng gặp lại Tổng Thư ký, cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ của OECD với Việt Nam trong việc đảm nhiệm vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á, nhất là đóng góp vào thành công của Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á và Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-OECD vừa diễn ra từ ngày 26-27/10.
Thủ tướng hoan nghênh OECD thông qua Khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (tháng 6/2023), mong muốn OECD và cá nhân Tổng Thư ký tiếp tục quan tâm, ủng hộ, dành các nguồn lực để đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ cho khu vực.
Đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác, thực chất, hiệu quả hơn; chia sẻ các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam, nhấn mạnh các ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, gồm thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; củng cố các động lực tăng trưởng quan trọng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, kinh tế tri thức.
Thủ tướng đề nghị OECD giúp Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư chất lượng cao để vừa giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, vừa bảo đảm lợi ích nhà đầu tư và vừa thích ứng hiệu quả với việc áp dụng các quy chuẩn mới, đặc biệt là thuế tối thiểu toàn cầu.
Tổng Thư ký Mathias Cormann cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá cao vai trò chủ chốt của Việt Nam trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP, đặc biệt là sáng kiến tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á.
Tổng Thư ký hoan nghênh chủ đề sâu sắc, cấp thiết của Diễn đàn năm nay “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á”, đã phản ánh đúng quan tâm và thu hút sự tham gia của nhiều cấp Bộ trưởng các nước.
Tổng Thư ký ấn tượng trước thành quả phát triển của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đầu tư toàn cầu sụt giảm, đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng.
Tổng Thư ký tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đối với OECD, nhất trí nâng tầm quan hệ Việt Nam-OECD và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Gửi phản hồi
In bài viết