Tiểu thuyết “Nẻo đường” của nhà văn Đỗ Anh Mỹ. |
Đỗ Anh Mỹ sinh năm 1947, từng là Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang. Quãng thời gian dài công tác là nguồn tư liệu dồi dào, sinh động để khi về hưu, ông dành trọn tâm huyết gửi vào văn chương với nhiều tác phẩm viết về những vụ án ly kỳ hấp dẫn. Cuốn tiểu thuyết “Nẻo đường” ấp ủ trong thời gian dài với nhiều chiêm nghiệm, sáng tạo.
Điều đặc biệt ở “Nẻo đường” không đơn thuần là cuốn tiểu thuyết trinh thám hình sự mà còn chứa đựng câu chuyện của khoa học viễn tưởng. Xuyên suốt từ đầu đến cuối trang sách là sự xuất hiện của nhân vật Rô bốt com Chớp. Đó là một người máy đặc biệt trông giống như một con người thực thụ với trái tim của một nhà khoa học hiến tạng. Chớp có cảm xúc và luôn khát khao tìm kiếm được tình yêu nên đã chạy trốn Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.
Trên hành trình dài đó, Chớp phải trốn tránh sự truy lùng của các nhà chức trách. Chớp hòa nhập vào đời thường và gặp gỡ được nhiều người với thân phận, nỗi niềm riêng. Bằng sự thật thà, chân thành và dũng cảm người máy Chớp đã có được những người bạn và có một tình yêu đích thực. Đó là Thúy Hồng - cô gái xinh đẹp, ngoan hiền đã rung động trước chàng trai xa lạ Chớp ngay từ lần đầu gặp. Dẫu trải qua biết bao sóng gió nhưng cuối cùng cả hai đã nắm tay đồng hành bên nhau. Tác phẩm chuyển đến nhiều thông điệp thông qua câu chuyện về nỗi khát khao tình yêu của rô bốt com Chớp: “Kẻ không được tạo hóa ban cho tình yêu thì quên cả hiểm nguy để đi tìm. Còn con người được thượng đế ban cho lại không hề nâng niu trân trọng, không nghe theo tiếng gọi nhân ái của quả tim, mà chỉ làm theo khát vọng của bản thân”.
Đặc biệt “Nẻo đường” hấp dẫn với nhiều lát cắt từ các vụ án trinh thám mà các chiến sỹ công an đã anh dũng, mưu trí khám phá. Tất cả được lồng ghép bằng giọng văn tự nhiên, logic. Bối cảnh truyện được gói gọn trong một phiên tòa, thế nhưng Đỗ Anh Mỹ có cách kể khá hấp dẫn. Đó là cách miêu tả sắc thái nét mặt, hành động, cử chỉ của bị cáo, chánh án, luật sư..., qua đó tạo được kịch tính cho câu chuyện. Đặc biệt, giọng văn khá linh hoạt, biết biến hóa ngữ điệu riêng để hợp với mỗi nhân vật.
Tiểu thuyết có kịch tính và nút thắt truyện khá độc đáo. Ông Tống Đại Hồng, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Được tác giả Đỗ Anh Mỹ tặng sách tôi đọc liền một mạch. Tôi bị lôi cuốn theo tình tiết ly kỳ của truyện, truyện có tình huống “cao trào”, giải quyết vấn đề logic”.
Khép lại tiểu thuyết “Nẻo đường” độc giả như được phiêu lưu, khám phá những vụ án hình sự. Tác phẩm đã đóng góp vào gia tài văn đàn xứ Tuyên với mảng đề tài độc đáo, ít người viết, tạo nên bức tranh văn học thêm phong phú sắc màu.
Gửi phản hồi
In bài viết