Tác giả Nguyên Hương có quan niệm: “Viết văn là việc tôi vui được làm hằng ngày”. Chị từng đạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ nhất với tập truyện ngắn Quà muộn. Với giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ, tinh tế, 22 câu chuyện trong tập tản văn kể về tình cảm, cách ứng xử, mối quan hệ... trong gia đình, từ khi cha, mẹ hồi hộp, lo lắng đón đứa con đầu đời, đến khi sinh đứa con thứ hai và nuôi dạy các con trưởng thành. Những câu chuyện rất đời thường đã được tác giả kể lại với ngòi bút dung dị. Đó là chuyện cha “từ một người đàn ông vô tư, trở thành chu đáo hết sức có thể” khi biết lo lắng, chuẩn bị để đón đứa con đầu tiên sắp chào đời. Rồi việc dạy con tập tiết kiệm bằng cách “Nuôi heo đất”; dạy con cách “Làm anh” khi con có em, nhưng vẫn phải quan tâm, chăm sóc, để ý đến suy nghĩ, tình cảm của đứa trẻ, tránh việc trẻ bị tổn thương khi phải chia sẻ bớt tình cảm của cha mẹ...
Theo dòng cảm xúc của tác giả, mỗi câu chuyện là những bài học ý nghĩa, bởi mỗi người làm cha, làm mẹ đều thấy mình trong đó để tự rút kinh nghiệm về cách nuôi dạy con. Làm sao để khen con đúng lúc, tạo được động lực, khích lệ con tiến bộ, học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, đôi khi cũng phải học chính các con sự dũng cảm, đối mặt với sự thật... Và tự rút ra bài học “Khi giận hờn thì mất sáng suốt”. Chỉ là những cách ứng xử tưởng như đơn giản giữa vợ với chồng, cha với con, mẹ với con hay giữa hai đứa trẻ với nhau nhưng tác giả đã giúp mỗi người đọc tìm thấy một phần của mình trong đó để vượt qua những ganh ghét, ích kỷ, bon chen trong cuộc sống và biết trân trọng, yêu thương hơn trong chính gia đình của mình.
Bởi nhà là nơi ai cũng muốn tìm về và là nơi bình yên nhất, dù cuộc sống ngoài kia có khó khăn, bon chen đến mấy. Nhờ có tình yêu thương, sự nuôi dạy của cha mẹ đã giúp mỗi đứa trẻ trưởng thành để tiếp tục trở thành những người cha, người mẹ thực sự.
Gửi phản hồi
In bài viết