Nét đẹp văn hóa người Việt

- Xin chữ là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt từ lâu đời. Người dân quan niệm xin chữ ngày đầu xuân mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển còn chứa đựng trong đó ước vọng về một năm mới may mắn, bình an.

Nếu xưa kia chỉ có ông đồ mới cho chữ, thì ngày nay, người xin chữ cũng như người cho chữ thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Các em nhỏ xin chữ Minh, chữ Trí; nam thanh nữ tú xin chữ Duyên, chữ Danh; người trung niên xin chữ Tâm, chữ Lộc, chữ Phúc; tặng bố mẹ chọn chữ Thọ, chữ An khang; người làm kinh doanh thì xin chữ Phát, chữ Tài, chữ Vượng... Không những vậy, mừng tuổi bằng chữ sẽ thay cho lời chúc tốt đẹp nhất tới người già. Với nét đẹp truyền thống ấy, dưới bàn tay mỗi ông đồ, mỗi bức thư pháp là một bức họa khác nhau và mỗi nét chữ cũng thể hiện cốt cách của người cầm bút.  

Phong tục xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày đầu xuân. 

Trước kia, mọi người thường xin chữ Nho, nhưng đến nay, người ta còn xin cả chữ Nôm và chữ Việt vì loại chữ này dễ đọc, dễ hiểu. Người hiểu chữ thì tâm đắc với câu chữ, trẻ nhỏ chưa biết chữ cũng thích thú bởi những nét chữ bay bổng đầy nghệ thuật. Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ, giấy hồng là màu biểu tượng của sự may mắn, tốt lành. Người cho chữ cũng như người xin chữ quan trọng nhất là dùng “tâm” của mình để viết và thưởng thức. Anh Nguyễn Thành Trung, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) là một trong những người viết thư pháp dịp Tết Nguyên đán chia sẻ, cho chữ không thể vội vàng, mỗi một nét bút khi đặt lên tấm giấy đều cần phải có sự tận tậm, nhẫn nại, gửi gắm được ý nguyện của người viết. Không những cho chữ, anh còn giải thích ý nghĩa từng chữ để người xin chữ hiểu hơn ý nghĩa sâu sắc được lồng trong những nét mực uyển chuyển.

Việc xin chữ ngày nay khá phổ biến, tại Tuyên Quang, người muốn xin chữ có thể đến xin tại các đền, chùa, các lễ hội hay Trung tâm thương mại Vincom thường có ông đồ “cho” chữ. Chị Trần Hoa Lý, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho hay, gia đình chị thường đi chúc Tết họ hàng vào ngày mùng 1 Tết, đến ngày mùng 2 cả nhà thường đi chùa và đến xin chữ ông đồ với mong ước gia đình được bình an, may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Năm nay chị xin chữ “Hiếu” để nhắc nhở bản thân không bao giờ được quên công ơn sinh thành của cha mẹ. Dù đi đâu, làm việc gì cũng tự nhủ bản thân lấy chữ hiếu làm đầu, kính trên, nhường dưới, kính trọng ông bà, cha mẹ. Qua đó chị cũng giáo dục con cái biết giá trị của đấng sinh thành, dưỡng dục.

 Nhìn những nét chữ còn tươi màu mực được các “ông đồ” viết trên nền giấy dó và những gương mặt trân trọng, hồ hởi đón nhận ai cũng cảm thấy vui. Ai đến xin chữ cũng gửi gắm những tâm tư của mình cho một mùa xuân mới. Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12C, trường THPT Tân Trào nói, em thích đọc sách và tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tục xin chữ. Trước đây, mỗi dịp Tết đến bố mẹ em thường đi xin chữ, năm nay em xin mẹ cho đi cùng và xin chữ “Học” về treo ở bàn học. Em mong muốn bản thân luôn chăm chỉ học hành để đạt kết quả tốt và thi đỗ tốt nghiệp năm nay.

Ngày Tết đối với người Việt là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Chính vì thế, người ta mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Và cho dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng phong tục xin chữ đầu năm vẫn là nét đẹp văn hóa của người Việt cần được gìn giữ và phát huy.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục