Hoài cổ nếp nhà xưa
Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà sàn truyền thống, ông Tiêu Văn Quy bảo, căn nhà này ông làm từ năm 1975. Trải qua gần 50 năm nhưng mọi thứ dường như vẫn còn vẹn nguyện. Cột nhà sừng sững như cây cổ thụ vẫn chưa có dấu hiệu của mối mọt. Ngay cả sàn nhà lát bằng những cây tre mai giờ vẫn bền chắc dù đã bị ngâm nước trong trận lụt lịch sử. Ngôi nhà này ông Quy chuẩn bị nguyên liệu tới vài năm. Ông Quy nhớ lại: Để có căn nhà kiên cố như này là công sức của cả bản làng. Hôm đó 4 giờ sáng, nhà ông khởi công thì từ 3 giờ là trưởng thôn đã gõ kẻng để cả làng đến giúp. Thậm chí trong làng ít người phải nhờ cả làng bên. Ước có tới cả trăm người mới có thể xoay sở và cũng gần 2 tháng ngôi nhà mới hoàn thiện.
Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình ông Tiêu Văn Quy.
Bước từng bước lên bậc cầu thang, ông Quy chậm rãi kể: Cầu thang là vật mang nhiều yếu tố tâm linh của dân tộc Cao Lan. Đó là chiếc cầu nối nối giữa âm và dương, giữa trời và đất. Bậc thang lên xuống bao giờ cũng là số lẻ. Cầu thang nhà ông có 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của con người với quan niệm làm bậc thang là số lẻ thì gia đình sẽ làm ăn tấn tới, thuận lợi và gặp may mắn. Với đồng bào Cao Lan, cầu thang còn là nơi hò hẹn, hát giao duyên của những đôi trai, gái. Bởi thế, bất kể làm theo lối truyền thống hay hiện đại thì những chiếc cầu thang vẫn giữ được dáng hình xưa. Tuổi thơ của các thế hệ người Cao Lan chính là nếp nhà sàn thân thương ấy: Chín bậc núi rừng/Chín bậc nghiêng nghiêng/Tuổi ấu thơ ta lớn lên ở đó...
Nét cổ xưa trong ngôi nhà còn hiện lên trong chiếc bếp lửa truyền thống. Vào ngày 30 Tết, bếp nhà ông Quy luôn đỏ lửa. Các thành viên trong gia đình quây quần đun nồi bánh chưng rồi trò chuyện, ôn lại chuyện năm cũ, hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Bếp lửa nhà sàn chính là biểu tượng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong dòng tộc.
Giữ hồn dân tộc
Thôn 15 xã Kim Phú có gần 100% là đồng bào Cao Lan sinh sống và có tới 50% hộ vẫn sinh hoạt trong những nếp nhà sàn. Một làng quê đậm bản sắc văn hóa dân tộc thì việc phát triển làng du lịch homestay là một hướng đi phù hợp. Đến nay có 10 hộ đã đầu tư cải tạo những căn nhà sàn truyền thống phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Trong số đó, có 2 hộ giữ vẹn nguyên căn nhà sàn xưa, số còn lại đều cải tạo, thay thế bằng những chiếc cột bê tông và lát nền gạch hoa. Song dù nguyên vật liệu làm nhà có thay đổi nhưng kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Trong ngôi nhà ấy, họ vẫn nói với nhau bằng tiếng dân tộc, ngân nga những giai điệu Sình ca.
Bà Phan Thị Hải được mọi người trong thôn gọi là nghệ nhân. Bà biết hát Sình ca từ bé và đến năm 16, 17 tuổi bà cùng thanh niên trong làng đi hát Sình ca từ làng này sang làng khác. Những ngày tuổi trẻ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức để đến bây giờ, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng niềm đam mê ấy chưa bao giờ nguôi ngoai.
Bà Phan Thị Hải dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn say mê hát Sình ca.
Bà Hải tâm sự, Sình ca hay lắm, ý nghĩa lắm, sâu sắc lắm. Đó là những triết lý giáo dục, nhân sinh mà người xưa để lại về cách đối nhân xử thế, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa... Rồi bà cất vang giai điệu thần tiên: Ơ ơ ơ... ư ư ư ứ ứ... Cù lìn cù líu hai mìn lài so sam so sợi vài hài sái... (Mồng 3, mồng 4 Tết thanh niên ra đường tìm hiểu nhau, vui xuân, đón Tết). Giọng bà lúc trầm, lúc bổng khiến cho làn điệu Sình ca thêm dìu dặt, da diết. Bà được phong là nghệ nhân cũng bởi chất giọng đặc biệt bẩm sinh này. Bà bảo, giờ không có trường lớp đào tạo hát Sình ca vì thế, những người cao tuổi như bà phải có trách nhiệm truyền dạy cho con cháu. Đến nay, một số cháu 13 - 14 tuổi đã biết hát Sình ca. Bà bảo, có thể các cháu hát chưa hay, những nốt ngân chưa cao, chưa sáng, nhưng quan trọng là các cháu đã biết về làn điệu truyền thống của dân tộc và yêu làn điệu ấy. Tình yêu chính là ngọn nguồn để Sình ca vang mãi.
Và cái gì là bản sắc, là thế mạnh thì phải biết phát huy. Chính vì thế, khi gia đình bà cải tạo căn nhà sàn truyền thống, dù ông có tiếc mãi những vẻ cổ xưa của chiếc cột gỗ hay mái lợp lá cọ nhưng bà bảo, còn tiếng nói, còn nếp nhà, còn câu hát là hồn cốt dân tộc còn được gìn giữ. Và để du khách được nghe Sình ca, được cùng hòa vào điệu Sình ca, không chỉ tạo thêm không gian du lịch hấp dẫn mà còn là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải nghiệm thú vị
Mỗi nhà phát huy một thế mạnh riêng, đó là cách người Cao Lan ở Kim Phú làm du lịch. Song tất cả đều cùng xây dựng một làng văn hóa với những con đường bê tông sạch đẹp điểm tô bằng những khóm hoa cúc, hoa thanh táo rực rỡ hai bên đường và cổng nhà. Ở đó, có những con người nhiệt tình đón tiếp khách như chính những người thân trong gia đình. Ông Hoàng Liên Sơn nhớ lại, lễ hội thành Tuyên hai năm trước, gia đình ông có một khách Tây đến nghỉ ngơi.
Những ngôi nhà sàn homestay hiện đại ở thôn 15 Kim Phú.
Ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì có hẳn khách Tây đến ở, nhưng lại lo lỡ có gì sơ suất. Nhưng rồi ông nghĩ, đã là homestay thì trước hết phải để du khách được sống trong không khí gia đình thực sự. Bởi thế, hàng ngày, ông đều mời vị khách Tây ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình. Khi rảnh ông đưa đi tham quan xã Kim Phú, tìm hiểu về đất và người nơi đây. Nói đến đây ông thở dài: Tiếc rằng hai năm rồi, dịch giã kéo dài nên hoạt động du lịch cầm chừng, lễ hội thành Tuyên chưa tổ chức lại được. Nhưng ông vẫn không nản, ông vẫn duy trì homestay để sẵn sàng đón khách trở lại và có thêm cả những khách Tây như thế.
Homestay ở Kim Phú là sự giao hòa, đan xen những nét xưa và nay. Nhà sàn truyền thống có, hiện đại có. Muốn đắm mình trong không gian văn hóa dân tộc thì được nghe hát Sình ca, xem múa Chim gâu, múa Xúc tép; được trải nghiệm làm bún truyền thống hay gói bánh Chim gâu cùng người dân nơi đây. Nếu muốn chọn một không gian riêng, có thể câu cá thư giãn, thăm cánh đồng Kim Phú bạt ngàn lúa, thăm đình làng Giếng Tanh, xa hơn có thể kết hợp nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm… Với những cách làm riêng, homestay nơi đây đã và đang mang đến những nét chấm phá mới lạ trong bức tranh du lịch ở thành phố Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết