Nga nêu điều kiện ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine

Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc quan ngại cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá lương thực leo thang và dẫn tới tình trạng thiếu các vụ mùa chủ chốt ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi. Xung đột làm giảm nghiêm trọng hoạt động vận chuyển từ Nga và Ukraine, hai nước chiếm 25% xuất khẩu lúa mì và 16% xuất khẩu ngô toàn cầu, khiến giá ngũ cốc tăng trên thị trường quốc tế.

Israel gửi hàng viện trợ nhân đạo tới Ukraine. (Ảnh: REUTERS)

Nga nêu điều kiện ngừng xung đột

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu các điều kiện để đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, yêu cầu từ phía Nga tập trung vào hai nhóm vấn đề. 

Thứ nhất, Kiev cần giữ quy chế trung lập và không gia nhập NATO, đồng thời giải trừ quân bị và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraine. 

Thứ hai, cần có các cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi hai bên có thể đạt một thỏa thuận. Theo Ancara, thỏa thuận này có liên quan quy chế của khu vực Donbass, miền đông Ukraine, và việc Moskva yêu cầu Kiev công nhận Crimea là một phần thuộc Nga.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan là một trong những nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Erdogan nhắc lại lời mời các lãnh đạo Nga và Ukraine tới hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hai tổng thống cũng thảo luận những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình nhân đạo ở Ukraine. 

Nga-Ukraine tiếp tục đàm phán

Theo hãng tin TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (M.Da-kha-rô-va) cho biết, cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hai bên đang thảo luận các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo. 

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov (Đ.Pê-xcốp) nêu rõ, việc Nga và Ukraine ký kết được và thực thi một thỏa thuận sẽ giúp chấm dứt xung đột; nhấn mạnh phái đoàn Nga đang thể hiện nỗ lực cao hơn phía Ukraine; khẳng định các điều kiện của Moskva là rõ ràng, mang tính xây dựng và thông báo đầy đủ tới các nhà đàm phán Ukraine.

Trong khi đó, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak (M.Pô-đô-li-ắc) cho biết, Tổng thống Zelensky có thể tiến hành hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin những ngày tới; nhấn mạnh Tổng thống Zelensky đưa ra những ưu tiên trong các cuộc đàm phán với Nga, gồm chấm dứt xung đột, bảo đảm an ninh cho người dân và đất nước Ukraine. 

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba cũng hội đàm tại thành phố Lvov, Ukraine. Bộ trưởng Kuleba đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ, cùng năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức, đóng vai trò bảo đảm việc tuân thủ thỏa thuận trong trường hợp đạt được giữa Kiev và Moskva.

Hoạt động nhân đạo

Canada thông báo chương trình tiếp nhận người nhập cư mới, theo đó sẽ cấp giấy cư trú tạm thời kéo dài ba năm ở Canada cho những người sơ tán khỏi Ukraine vì lý do xung đột. Những người muốn được hưởng quy chế cư trú này cần đăng ký trực tuyến và cung cấp dữ liệu sinh trắc học. Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) cho biết, có 3.368 người Ukraine đến Canada kể từ khi xung đột xảy ra. 

Israel điều động một máy bay chở 17 tấn thiết bị để xây dựng bệnh viện dã chiến ở miền tây Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Israel, điểm đến của chuyến bay này là Ba Lan, sau đó số thiết bị trên máy bay sẽ được vận chuyển tới thành phố Mostyska của Ukraine để xây dựng bệnh viện. Đội ngũ y tế của Israel lên đường đến Ukraine trong tuần tới. Chính phủ Israel đã nhất trí chi 21 triệu shekel (6,4 triệu USD) cho chương trình hỗ trợ này.

Phương Tây tiếp tục trừng phạt Nga

Với 424 phiếu ủng hộ và 8 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật đình chỉ Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, mở đường cho việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Moskva. Dự luật cần được trình Thượng viện Mỹ xem xét phê chuẩn.

PNTR, còn gọi là quy chế tối huệ quốc, là quy định đặc biệt nhằm điều tiết các mối quan hệ với các đối tác thương mại của Mỹ, theo đó các đối tác được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba. 

Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ cũng thông qua năm dự luật trừng phạt Nga. Các dự luật này là nhằm ngăn chặn các công ty có trụ sở tại Mỹ né tránh các lệnh trừng phạt thông qua các công ty con đặt trụ sở tại các nước không áp đặt trừng phạt Nga và Belarus. Ngoài ra, các dự luật cũng cấm quan chức Chính phủ Nga tham gia các tổ chức quốc tế, mở rộng khả năng theo dõi các giao dịch liên quan hoạt động bất hợp pháp…

Ngày 18/3, Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt 15 cá nhân và 9 công ty của Nga, trong đó có Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tám Thứ trưởng Quốc phòng, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và Công ty sản xuất máy bay chiến đấu United Aircraft Corp. Theo đó, các cá nhân và công ty này bị đóng băng tài sản ở Nhật Bản và cấm thực hiện giao dịch. Tới nay, Nhật Bản đã áp đặt trừng phạt 76 cá nhân, bảy ngân hàng và 12 công ty của Nga. 

Australia áp đặt lệnh trừng phạt hai tỷ phú Nga có lợi ích kinh doanh ở Australia và 11 ngân hàng, tổ chức của Chính phủ Nga, trong đó có Quỹ Phúc lợi quốc gia, Bộ Tài chính Nga, và các ngân hàng như Gazprombank, VEB, VTB. Điều này có nghĩa là tất cả các thể chế có thể xử lý nợ công của Nga hiện đều bị Australia áp đặt trừng phạt.

Ngày 18/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt Nam tại Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người Việt Nam tại Ukraine. Tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã tổ chức năm chuyến bay đưa 1.385 người Việt Nam và gia đình từ Ukraine sơ tán sang Romania và Ba Lan về nước an toàn.

 

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, còn hơn 300 người Việt Nam tại Ukraine tập trung tại các thành phố Donestk, Lugansk, Chernigov, Kherson, Kharkov và Odessa. Đây phần lớn là người định cư lâu dài, có công việc, nhà cửa, tài sản ở Ukraine, chưa có nguyện vọng sơ tán sang các nước lân cận hoặc về Việt Nam. 

 

Riêng tại thành phố Mariupol, nơi diễn ra xung đột căng thẳng, có khoảng 80 người Việt Nam. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga và Ukraine tiếp tục thúc đẩy các cơ quan chức năng của Nga và Ukraine trong việc phối hợp tạo hành lang an toàn cho người Việt Nam còn lại ở Mariupol và các thành phố khác ở Ukraine sơ tán đến nơi an toàn.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục