Nhiều quốc gia dừng yêu cầu xét nghiệm trước nhập cảnh: Khơi thông đi lại toàn cầu

Hàng loạt các quốc gia tiếp tục loại bỏ quy định xét nghiệm đối với du khách nhằm khơi thông đi lại, tạo thuận lợi cho tiến trình phục hồi kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”. Tuy vậy, việc "mở cửa" biên giới cũng vẫn được yêu cầu thực hiện theo từng bước và có trách nhiệm, luôn đi kèm các chỉ dẫn về phòng dịch tại địa phương đến.

Ngành Du lịch sẽ khởi sắc từ việc nhiều nước dừng các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh.

Ngành Du lịch sẽ khởi sắc từ việc nhiều nước dừng các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh.

Mới nhất, Canada ngày 18-3 thông báo chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh đối với những du khách đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 1-4. Thái Lan cùng ngày cũng có lịch bỏ quy định xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh với du khách đến theo chương trình Test & Go của nước này. Tương tự, Campuchia cũng không yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19. Philippines và Malaysia từ ngày 1-4 cũng cho phép tất cả du khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được nhập cảnh mà không cần cách ly y tế.

Những cái tên này nối dài danh sách hàng loạt quốc gia đã bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm khi nhập cảnh, như: Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Pháp, Mexico, Peru… Tại châu Á, Hàn Quốc cũng áp dụng chính sách cởi mở, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với du khách nhập cảnh. Cá biệt, có quốc gia như Ireland và Iceland còn gỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19.

Tuy vậy, vẫn có điểm chung là việc dừng yêu cầu xét nghiệm khi nhập cảnh được các nước áp dụng chủ yếu cho du khách đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19, và luôn đi kèm các chỉ dẫn về phòng dịch tại nơi đến.

Trong khi đó, cũng như một số nước khác, Maldives yêu cầu du khách đến nước này cần khai báo sức khỏe 48 giờ trước khi bay, đồng thời khuyến khích tự xét nghiệm Covid-19 sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, nhóm du khách chưa tiêm phòng vẫn phải trình kết quả xét nghiệm khi nhập cảnh và được yêu cầu cách ly sau đó.

Thực tế, hoạt động đi lại xuyên quốc gia đã giảm mạnh từ tháng 3-2020 khi đại dịch bùng phát khiến các chính phủ đóng cửa biên giới và áp đặt các yêu cầu về xét nghiệm đối với du khách. Ngành Du lịch - một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất thế giới, sử dụng tới 10% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73%, khiến ngành Du lịch toàn cầu thiệt hại hơn 1.300 tỷ USD, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Năm 2021, con số thiệt hại vọt lên 2.000 tỷ USD. Đại dịch khiến lượng du khách quốc tế giảm 82% tại Đông Nam Á. Từ cuối năm 2021, những nỗ lực ban đầu trong khôi phục đi lại đã giúp ngành Du lịch khởi sắc, qua đó mở ra kỳ vọng về việc năm 2022 sẽ là giai đoạn toàn cầu thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế...

Giới chuyên gia y tế cũng cảnh báo, việc hàng loạt quốc gia từ bỏ “hàng rào” xét nghiệm có rủi ro tiềm ẩn, trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 vẫn tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để bảo đảm an toàn cho tiến trình này, các nước nên tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng bao phủ, đồng thời củng cố hệ thống giám sát các diễn biến của đại dịch. Tổ chức này cũng nhấn mạnh, mọi người không nên hiểu sai Omicron chỉ là biến chủng nhẹ hay đại dịch đã qua đi; đồng thời kêu gọi một số “điểm nóng” về dịch hiện nay - đặc biệt là một số nước châu Á - nên thận trọng.

Có thể thấy, việc bãi bỏ xét nghiệm khi nhập cảnh là bước tiếp theo trong nỗ lực “bình thường hóa” hoạt động đi lại giữa các nước. Đây là thay đổi có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh các nước đang xúc tiến nhiều biện pháp mở cửa trở lại, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục