Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn.
Về vấn nạn lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) về làm rõ giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, vấn đề Bộ quan tâm là làm sao xử lý một cách căn bản tình trạng này. Trong đó, Bộ đã công khai đầu số điện thoại 156 và các trang web nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về các vi phạm; phát triển công cụ, công nghệ trong quản lý không gian mạng.
“Năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, nếu không ngăn chặn, sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập vào các trang web và xác suất bị lừa đảo là rất lớn”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) chất vấn.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập trung xử lý sim rác, đây là phương tiện thực thi các hoạt động lừa đảo. Bộ thực hiện 3 công đoạn lớn để xử lý sim rác, trong đó thuê bao không có thông tin đầy đủ sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, còn 22 triệu số không có thông tin đầy đủ, đến nay không còn.
Cùng với đó, Bộ tiến hành đối soát thông tin các thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã thực hiện được 1/4 số lượng thuê bao, cơ bản trong năm nay hoặc đầu năm 2023 phải thực hiện xong. Cuối cùng là xử lý sim “không chính chủ” sẽ ngăn chặn được dùng số điện thoại để lừa đảo, cuộc gọi rác.
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) chất vấn.
Tiếp tục trả lời vấn đề sim rác do đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được. Bộ trưởng nêu rõ mục tiêu xử lý, từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng về tình trạng một cá nhân đăng kí nhiều sim. Ngoài ra, việc xử lý sim rác được gắn với đăng ký thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng ký là chính xác.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) nêu rõ theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số hồ sơ thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong khi mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11-2022.
“Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác”, đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc rà soát, đối chiếu thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ là câu chuyện về điện tử, gần 90% thông tin nhà mạng thu thập là đúng, còn khoảng 10% thì các nhà mạng phải xác minh lại.
Gửi phản hồi
In bài viết