Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người

- Ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 30-7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tuy tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn được kiềm chế, nhưng cũng tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên tội phạm mua bán người chuyển hướng hoạt động. Trước đây, nạn nhân thường bị dụ dỗ lừa gạt bán sang Trung Quốc làm việc nặng nhọc, gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. Gần đây, bọn chúng chuyển hướng hoạt động trong nội địa. Điển hình, ngày 1-1-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Quang Linh, trú tại phường Sông Hiến, TP Cao Bằng (Cao Bằng) về tội mua bán người.

Công an tỉnh tuyên truyền về tội phạm mua bán người cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Tân Thành (Hàm Yên).

Trước đó, đối tượng Linh đã đăng nội dung tuyển nhân viên quán karaoke kèm chào mời việc nhẹ, lương cao, ổn định trên Facebook. Thấy nội dung đăng hấp dẫn, ngày 29-12-2021, chị P.T.V, sinh năm 1995, trú tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã liên hệ và tìm gặp Linh để xin việc, nhưng khi trao đổi thấy không phù hợp, chị V. không đồng ý làm. Tiếp đó, Linh dùng thủ đoạn để tạo lòng tin, thuê taxi đưa chị V. đến bán cho một quán karaoke tại xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương). Thấy nghi ngờ, chị V. đã tìm cách bỏ chạy và nhờ người trình báo cơ quan công an.

Đại úy Trần Duy Khánh, Phó Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: qua đấu tranh cho thấy, bọn tội phạm đã lợi dụng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, cần tìm việc hoặc những trẻ em gái mới lớn, ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình để dụ dỗ, lôi kéo đưa vào “bẫy” của bọn chúng. Thủ đoạn phổ biến là, đối tượng thông qua điện thoại di động và mạng xã hội đăng tuyển nhân viên rót bia và bay lắc, hứa hẹn với nạn nhân việc làm có thu nhập cao, sau đó lừa bán cho các đối tượng cần tuyển nhân viên nữ phục vụ tại quán karaoke nhằm hưởng lợi.

Gần đây nổi lên là tình trạng nhiều thanh niên, trong đó có người tại tỉnh ta bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép với hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” đến vài chục triệu đồng/tháng. Qua mạng xã hội hoặc mối quan hệ quen biết, một số thanh niên đã sập bẫy, được bao chi phí đi lại, ăn uống, hướng dẫn vượt biên trái phép sang Campuchia. Sang đó, họ làm việc cho công ty đánh bạc trực tuyến, sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ. Nạn nhân bị ép làm việc từ 10 đến 16 giờ/ngày, bị dọa nạt, đánh đập, bị nhốt, bị bỏ đói… Khi muốn về lại Việt Nam, nạn nhân phải gọi điện về gia đình chuyển tiền chuộc từ 80 đến 120 triệu đồng (chi phí bồi thường hợp đồng lao động). Đây là thủ đoạn mới, tinh vi không chỉ là việc tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép mà còn có dấu hiệu của mua bán người, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Thực tế, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh với tội phạm mua, bán người: các vụ án xảy ra không có hiện trường, không để lại dấu vết; đối tượng dùng tên, địa chỉ giả, tạo tài khoản zalo, facebook... ảo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân khiến công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn; thu thập chứng cứ, xác định đối tượng và chứng minh hành vi phạm tội mất nhiều thời gian. Do đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân hãy chủ động đề cao cảnh giác, nắm vững những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người để có biện pháp phòng, ngừa hiệu quả, góp phần chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục