Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống.
Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử phục vụ các đối tượng nộp thuế trên toàn quốc từ ngày 1-7-2022. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh thực hiện chuyển đổi đồng bộ sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Đến nay, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 tỷ hóa đơn điện tử. Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí phát hành, lưu giữ hóa đơn; thuận tiện trong khâu đối chiếu, rà soát, kiểm tra việc kê khai thuế, hoàn thuế… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, vẫn còn một số đối tượng thành lập doanh nghiệp để mua, bán và sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp, hoặc có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn điện tử để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.
Cục trưởng Cục Thanh tra kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) Vũ Mạnh Cường cho biết, đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả mạo, thuê người làm đại diện pháp luật... thành lập chuỗi doanh nghiệp trung gian, hoặc mua lại các doanh nghiệp và thay đổi người đại diện theo pháp luật. Để hợp thức cho các hóa đơn có những mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc (đất, cát, sỏi, gỗ, xăng, dầu, thực phẩm…), các đối tượng đã làm giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền để lập hồ sơ khống, chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn; thành lập hoặc chuyển địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để bán hóa đơn có những mặt hàng phù hợp với từng địa bàn như nguyên liệu, nhân công, thuê máy móc… Khi kê khai thuế, các đối tượng thường kê khai đúng số liệu trên hóa đơn đầu ra đã lập, nhưng lại khai khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, thuế giá trị gia tăng đầu vào để tối thiểu hóa số thuế phải nộp trên tờ khai, thậm chí không phát sinh số thuế phải nộp.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều vụ việc mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn điện tử đã được phát hiện. Vào cuối năm 2022, Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn điện tử và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong vụ án này, hai đối tượng trú tại thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu thông qua mạng xã hội mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sau đó, thiết lập mạng lưới các đối tượng trung gian để khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn, khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng, thiệt hại về thuế trên 2,5 nghìn tỷ đồng; các đối tượng thu lợi bất chính khoảng trên 1,2 nghìn tỷ đồng. Trước đó, tháng 9-2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn” liên quan đến hai ổ nhóm với nhiều đối tượng thực hiện hành vi mua bán hóa đơn với giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng…
Để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Tổng cục Thuế cũng vừa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng.
Đáng chú ý, ngành Thuế đã triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”. Việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai hệ thống này sẽ giúp cơ quan thuế tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện những dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành hóa đơn điện tử.
Gửi phản hồi
In bài viết