Nhiều khu vực đập thu nước bị xâm phạm
Công trình cấp nước sinh hoạt khu trung tâm xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 443 hộ dân, cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Tuy nhiên, từ tháng 12-2020 đến nay tình trạng thiếu nước, nước bị ô nhiễm diễn ra thường xuyên khiến những hộ dân sử dụng nước bức xúc. Ông Chẩu Văn Bích, thôn Bản Chợ nói, trước đây khi công trình cấp nước mới đi vào hoạt động, nước rất sạch, người dân sử dụng thoải mái nhưng từ năm 2020 đến nay, nguồn nước không những bị ô nhiễm mà cạn kiệt dần.
Kết quả kiểm tra ngày 21-5-2021 của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tại khu vực thượng lưu phía đập thu nước đầu nguồn của công trình các hộ dân tự ý xây đập thu nước và lắp đặt 17 đường ống nhựa HDPE lấy nước về sử dụng, đây là nguyên nhân nguồn nước của công trình ngày một cạn kiệt. Chưa dừng lại ở đó, một số hộ dân xã giáp ranh xã Thượng Lâm là Khuôn Hà còn chăn thả trâu, bò và canh tác gần khu vực lấy nước.
Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Lâm Bình, tại đầu nguồn công trình cấp nước thôn Nặm Chá, xã Lăng Can và công trình cấp nước Phoa Nhùng, xã Bình An, nhiều hộ dân tự do chăn thả trâu, bò, trồng cây màu trên khu vực đập thu nước. Điều đáng nói là quá trình canh tác các hộ dân sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.
Công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn) được mở rộng quy mô khai thác hiệu quả.
Không riêng gì các địa phương trên địa bàn huyện Lâm Bình, tại các xã Minh Hương, Yên Phú, Thành Long (Hàm Yên) và Hoàng Khai (Yên Sơn) chất lượng nước không đảm bảo để cung cấp phục vụ sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Đình Tâm, Trưởng Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khẳng định, nguyên nhân chất lượng nước không đảm bảo là do chính người dân gây nên. Ông Tâm dẫn chứng, ngay như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Minh Hương (Hàm Yên) người dân trồng cam, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vi sinh trong quá trình chăm sóc đã làm ngấm vào nguồn nước, dẫn đến nước bị ô nhiễm nghiêm trọng không thể sử dụng được.
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân
Y khoa chứng minh con người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột, da liễu, mắt... Ngoài ra, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng, hóa chất có thể gây ra các bệnh ung thư. Tại tỉnh ta dù chưa đến mức báo động và cũng chưa có báo cáo thống kê về số người bị mắc các bệnh do sử dụng nguồn nước không đảm bảo, tuy nhiên nguy cơ đã nhìn thấy rõ khi nhiều công trình nước sạch đang bị xâm hại làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp.
Ông Cao Xuân Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường khẳng định, quản lý hiệu quả công trình cấp nước sạch nông thôn rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương nơi có công trình cấp nước. Tại công trình cấp nước xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thời điểm tháng 8-2020, Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn kiểm tra tình trạng người dân chăn thả trâu, bò trên khu vực đầu nguồn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Trước thực trạng này, Ban đã làm việc với UBND xã phối hợp xử lý từ đó đến nay không còn hiện tượng người dân chăn thả trâu, bò trên khu vực đầu nguồn lấy nước của công trình. Đối với các công trình cấp nước bị xâm hại tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Trung tâm đã làm việc với UBND các huyện yêu cầu các xã có công trình cấp nước tuyên truyền, vận động người dân dừng ngay việc chăn thả gia súc, canh tác trên khu vực đầu nguồn của công trình để đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho cộng đồng; kiên quyết tháo dỡ đường ống của một số hộ dân tự ý lắp đặt trong khu vực đập thu nước của công trình.
Trên thực tế, các công trình cấp nước sạch nông thôn bị xâm phạm đều do chính người dân gây ra và không ai khác chính người dân lại hứng chịu hậu quả thiếu nước sinh hoạt, chất lượng nước không đảm bảo. Do đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là chưa đủ, người dân hưởng lợi phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ, quản lý công trình; sử dụng nguồn nước tiết kiệm hiệu quả nhằm chia sẻ cơ hội được sử dụng nước hợp vệ sinh cho nhiều người trong cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết