Ảnh minh họa.
Từ giữa tháng 7, nhận thấy tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 ở các chợ truyền thống, siêu thị tăng cao, chị Lê Hoàng Anh, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) gần như chuyển hẳn sang mua hàng online. Nhưng đặt hàng qua hệ thống các siêu thị phải chờ 1-2 ngày mới được giao hàng, cho nên các bữa ăn của gia đình chị đôi khi bị gián đoạn. Thấy bất tiện, chị mày mò tìm kiếm các group (hội nhóm) trên mạng xã hội Facebook và phát hiện có “chợ online” bán đầy đủ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống ngay trong khu chung cư mình đang ở.
Chỉ cần ngồi xem những bài đăng bán hàng trên group này, cần loại hàng gì, chị chỉ cần nhắn tin riêng cho người bán hoặc bình luận trực tiếp, tham khảo giá, sau đó cho địa chỉ căn hộ, số điện thoại với người bán để đặt hàng. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, các mặt hàng chị mua đã được vận chuyển (ship) đến cửa căn hộ, chỉ việc ra lấy.
Tương tự, chị Vũ Ngọc Dậu trước đây cũng từng tham gia group “chợ online” chung cư Mỹ Đình Pearl (Hà Nội), nơi chị sinh sống. Tuy nhiên, do thời điểm đó quá ít người bán, hàng không đa dạng và phần nào vẫn thích được tận tay lựa mua thực phẩm nên chị Dậu bẵng đi không để ý đến. Tuy nhiên, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng cao, group “chợ online” ở chung cư của chị đã có thêm rất nhiều người tham gia bán hàng, với hàng chục bài đăng bán mỗi ngày, đa dạng cho từng nhu cầu. Vì vậy, khoảng một tháng nay, chị chuyển hẳn sang mua thực phẩm tại group nêu trên, việc chuẩn bị các bữa ăn hằng ngày của gia đình chị vì thế cũng đơn giản hơn do đã được đặt mua hàng sẵn từ hôm trước. Thậm chí, nhiều hôm nửa đêm, con chị thèm đồ ăn vặt vẫn đặt được hàng mà không phải tiếp xúc với shipper bên ngoài như trước kia.
Nhờ sự phát triển của các mạng xã hội, các group “chợ online” trên địa bàn Thủ đô phát triển khá mạnh. Dạo quanh các “khu chợ” này đều thấy những tiếng rao quen thuộc “các mẹ ơi, cả nhà ơi” với các thành viên trong nhóm. Mỗi sản phẩm đăng bán đều thu hút hàng trăm bình luận của người mua với đủ loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm thiết yếu, nông sản tới thực phẩm tươi sống, thậm chí cả các món ăn vặt như trà sữa, nem chua, bánh tráng trộn hay đặc sản địa phương. Hàng hóa bán tại “chợ” chủ yếu do dân trong chung cư tự làm, có nguồn từ quê mang lên hoặc nhập từ các mối buôn quen, chất lượng vì thế cũng được bảo đảm.
Với tâm lý “hàng xóm” bán cho nhau, mua và bán cho những người sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán, hàng hóa có vấn đề gì có thể tới tận nơi phản ánh hay trả lại nên người mua rất yên tâm. Chính vì sự tiện lợi này, các cư dân chỉ mua vừa đủ theo nhu cầu hằng ngày, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều mà đồ lại luôn tươi ngon. Do không phải thuê mặt bằng nên giá cả sản phẩm tại các “chợ online” tương đối hợp lý với lượng khách ổn định.
Do phải tạm nghỉ công việc vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên trong suốt bốn tháng vừa qua, chị Quỳnh Anh, một cư dân sống tại chung cư Sunshine Garden, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chuyển hướng sang bán trái cây online phục vụ cư dân nơi chị đang sống như một nghề tay trái để kiếm thêm nguồn thu nhập. “Mỗi tuần tôi nhập khoảng 1 tấn trái cây từ mối quen ở miền tây gửi ra, trung bình mỗi ngày bán được 200 - 300 kg với hơn 50 đơn hàng nên cứ hàng về lại tất bật lên đơn và đi ship ngay vì nhu cầu của cư dân tăng cao, nhất là trong những ngày giãn cách. Giá bán tôi cũng để vừa phải cho cư dân mua mà không cần nghĩ ngợi. Việc buôn bán trên group chợ nội bộ chung cư cũng khá suôn sẻ và hiệu quả, buổi sáng chỉ việc đăng bài quảng cáo, đến khoảng 17 giờ tôi kiểm tra và chốt đơn hàng để đi ship một lượt. Giao dịch 100% đều online và thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, hàng chỉ cần ship đến treo tại cửa căn hộ, bấm chuông rồi đi về, người bán và người mua không phải tiếp xúc với nhau để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, chị Quỳnh Anh cho biết.
Có thể thấy, mua bán online theo cụm dân cư lúc này là cách thích ứng của người dân để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách. Tuy nhiên, đi “chợ online” cũng không tránh khỏi những bất cập như đôi khi hàng không tươi ngon, giao hàng không đúng hẹn, không đủ số lượng, hoặc giá cao, nguồn hàng đơn điệu,... Thậm chí, nhiều sản phẩm được bán trên các “chợ online” khi đến tay người dùng ở trong tình trạng “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn sử dụng. Song người mua hầu như không quan tâm bởi tin tưởng vào người bán với cái mác hàng homemade (làm tại nhà), hàng quê. Nhưng nếu đặt câu hỏi rằng, người bán hàng quảng cáo sản phẩm “nhà trồng”, bán với số lượng lớn và thường xuyên như vậy, có ai dám chắc đó không phải là sản phẩm được gom từ các nguồn khác nhau?
Hiện, các cơ quan chức năng cũng thừa nhận rất khó kiểm soát mặt hàng thực phẩm được bán trên “chợ online” cư dân do đa số mang tính nhỏ lẻ, cục bộ, người mua và người bán tin nhau là chính, không có cam kết nào về chất lượng, nguồn gốc, hạn dùng, khi có vấn đề xảy ra, rất khó để truy trách nhiệm. Do đó, cơ quan quản lý khuyến cáo người dân chỉ nên tin tưởng mua các loại hàng hóa trên những “chợ online” có đầy đủ thông tin về người bán, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Sản phẩm bán ra phải được người bán bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không hư hỏng, không nhiễm hóa chất, được chế biến vệ sinh, không gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, ban quản lý các group “chợ online” chung cư cần kiểm duyệt chặt chẽ các bài đăng, yêu cầu người bán chứng minh nguồn gốc hàng hóa để vừa bảo đảm phòng dịch, vừa đáp ứng tốt nhu cầu, quyền lợi của cư dân trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết