Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông kết luận tại Hội nghị trực tuyến với TP Hà Nội. (Ảnh: MPI)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hai hội nghị trực tuyến trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.
Nhận diện các “nút thắt”
Từ thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, hoạt động đầu tư công đang đối mặt với 5 khó khăn, vướng mắc lớn về thủ tục đầu tư và quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, trong năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, địa phương phải lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án trong cả kỳ kế hoạch. Trong thực tế rất khó để thực hiện quy định này.
Hơn nữa, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, nhất là những năm về cuối của kế hoạch.
Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và HĐND chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn.
Tại Quảng Ninh hiện có rất nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư do phải điều chỉnh về gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... Do vậy, việc bổ sung “Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” tại Điều 34 của Luật Đầu tư công giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm.
Hiện nay, kế hoạch đầu tư công hàng năm ngân sách địa phương đều đã được HĐND các cấp thông qua trước ngày 31-12 trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch nảy sinh rất nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh ngay cho phù hợp với thực tế.
Nhưng theo quy định, tất cả các nội dung điều chỉnh đều phải được HĐND cùng cấp thông qua, trong khi việc tổ chức một cuộc họp của HĐND cần phải có thời gian chuẩn bị. Điều này ảnh hưởng đến việc điều chỉnh, phân khai vốn trong năm kế hoạch.
Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế: Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất.
Ngoài ra, quá trình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp vướng mắc về định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc UBND; cấp xã không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng…
Trong một báo cáo gửi đến Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cũng tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong các quy định hiện hành và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư công, UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND thành phố mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn.
Quá trình này còn gặp vướng mắc trong một loạt thủ tục khác về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; vướng mắc về quy trình, bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch…
Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất liên quan tới triển khai dự án là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, phải kéo dài thời gian dự án nhiều năm.
Vướng mắc đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (giá trị dưới 20 tỷ đồng); sự bất cập trong việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; chuyển tiếp áp dụng các quy định mới…
Dự án đầu tư kinh doanh cũng gặp khó
Theo phản ánh của UBND thành phố Hà Nội, các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên tại Hà Nội, đất ở có giá trị thương mại rất cao nên việc xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng là không phù hợp.
Giải pháp được đề xuất là đối với dự án có quy mô trên 2ha không phù hợp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội sẽ bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án khác trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu, sửa đổi quy định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành.
Hiện nay, các dự án BT trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn hoàn thành, việc triển khai các dự án trước đây thực hiện theo các quy định về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Vì vậy, UBND thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép chuyển tiếp thực hiện công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết các dự án BT chuyển tiếp.
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết việc triển khai các dự án ngoài ngân sách cũng đang gặp nhiều vấn đề trở ngại lớn.
Đó là chưa có hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư;
Chưa thống nhất trong cách hiểu về “Dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; vướng mắc về cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ; bất cập về thủ tục chấp thuận nhà đầu tư…
Nỗ lực tháo gỡ trong thẩm quyền
Từ phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, hiện cơ chế chính sách về hoạt động đầu tư đã và đang được hoàn thiện, nhưng trong thực tế triên khai vẫn nảy sinh nhiều cách hiểu khác nhau.
“Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”, Thứ trưởng nhấn mạnh và khẳng định: “Nếu nội dung nào đúng, chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ, trình Chính phủ có thể sửa đổi”.
Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.
Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.
Tinh thần của Thủ tướng là rất mong muốn Tổ công tác sẽ chỉ ra được các vấn đề đúng và trúng để tháo gỡ khó khăn cho các nguồn lực ở các dự án rất đang tiềm tàng, tiềm năng nhưng đang vướng mắc chưa được giải ngân trong thực do ảnh hưởng của dịch Covid-19.” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Gửi phản hồi
In bài viết