Nguy cơ dịch bệnh phát tán, lan rộng
Ngày 6-5, đàn lợn 13 con của gia đình bà Hoàng Thị Mơ, thôn 7 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) bỗng bỏ ăn và chết. Ngay sau khi lợn có nhiều dấu hiệu bất thường, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Hàm Yên đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi phân tích. Kết quả xét nghiệm, toàn bộ số lợn đã nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi. Tiếp đến ngày 20 và 21-5 cũng trên địa bàn xã Minh Hương, tại thôn 5 Minh Quang 6 con lợn có trọng lượng từ 30 - 40 kg của 2 hộ gia đình cũng nhiễm bệnh dịch tả và chết.
Cũng trong tháng 5, tại 2 xã Phúc Yên (Lâm Bình); Thượng Nông (Na Hang) cũng đã ghi nhận đàn 36 con lợn nhiễm bệnh, bao gồm cả lợn nái và lợn thịt. Trong tháng 6 xuất hiện thêm 5 xã có ổ dịch tả lợn châu Phi gồm: Yên Lâm (Hàm Yên); thị trấn Na Hang, Sơn Phú, Năng Khả (Na Hang) và Kiên Đài (Chiêm Hóa).
Lực lượng chức năng huyện Hàm Yên hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Theo các bác sỹ thú y, dịch tả lợn châu Phi tái phát rải rác ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tập trung, thiệt hại tuy không lớn nhưng nguy cơ vi rút phát tán và lan rộng rất cao. Bởi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thú y; ý thức của các chủ hộ chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh có phần hạn chế và thiếu triệt để. Chưa kể tình trạng một số hộ dân tiếc của khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường đã bán tống bán tháo nhằm vớt vát vốn…
Kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh vừa qua cho thấy chăn nuôi ở nhiều địa phương đang bộc lộ những hạn chế. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh chưa hiệu quả, đặc biệt là nguồn gốc và chất lượng giống có hiện tượng gia súc, gia cầm sau khi người nuôi mua về đã mắc bệnh, phải điều trị; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, trong đó có vắc xin tiêm phòng bệnh dại đạt 44,48%; vắc - xin tiêm phòng bệnh cúm gia cầm đạt 14,2%; vắc - xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục đạt 10,9% đối với trâu và 22,0% đối với bò.
Đồng chí Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, dịch bệnh vẫn tồn tại, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, một số tỉnh giáp ranh với Tuyên Quang đã ghi nhận các ổ dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dại, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... cộng với thời tiết nóng ẩm như hiện nay, hoạt động vận chuyển kinh doanh, buôn bán vận chuyển chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nguy cơ phát tán dịch rất cao.
Bảo vệ đàn vật nuôi
Trước tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đang phát sinh và lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh theo nội dung các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở cũng giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện, lấy mẫu giám sát sự lưu hành của mầm bệnh để khuyến cáo các biện pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm với cơ quan y tế để đề xuất các biện pháp phòng, chống đồng bộ, hiệu quả.
Huyện Sơn Dương có tổng đàn gia súc lớn, đặc biệt là đàn lợn lớn nhất tỉnh. Hiện, công tác phòng chống dịch bệnh đang được huyện đẩy mạnh. Đồng chí Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Thiết (Sơn Dương) khẳng định, năm 2019, 2023 trên địa bàn xã đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi tái phát, gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi. Ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, xã đã giao cho cán bộ thú y theo dõi sát diễn biến, đặc biệt là các hộ đã từng phát sinh dịch bệnh ở đàn vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn. Đối với các hộ chăn nuôi, xã yêu cầu thực hiện “5 không - không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn ốm; không sử dụng thức ăn thừa cho lợn ăn khi chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường”.
Chị Nguyễn Xuân Quỳnh, thôn Chi Thiết, xã Chi Thiết (Sơn Dương) cho biết, chị luôn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, mua lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng chống bệnh cho đàn lợn. Đề phòng dịch bệnh xâm nhiễm vào đàn lợn, chị Quỳnh cũng thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi và vệ sinh khu vực chuồng nuôi.
Trên địa bàn huyện Hàm Yên, ngay khi dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Minh Hương, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện theo dõi sát diễn biến dịch; hỗ trợ người chăn nuôi xử lý vật nuôi nhiễm bệnh; cấp phát thuốc khử trùng, hướng dẫn người dân phun thuốc, rắc vôi khử trùng khu vực chuồng nuôi có lợn nhiễm bệnh. Đồng chí Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương khẳng định, cùng với sự trợ giúp của ngành chuyên môn, xã khoanh vùng những thôn có lợn nhiễm bệnh, yêu cầu các hộ chăn nuôi trong thôn tạm dừng việc xuất bán, nhập đàn đề phòng làm lây lan, phát tán dịch. Tính đến ngày 5-6, tức sau 15 ngày trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm lợn bị nhiễm dịch tả.
Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, tại các huyện giáp ranh với các tỉnh, các trạm kiểm dịch động vật cũng được tăng cường lực lượng nhằm kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến đầu tháng 6, các ổ dịch tả châu Phi tại các địa phương đã cơ bản được kiểm soát, chưa ghi nhận ổ dịch mới phát sinh. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn còn nhiều phức tạp, do đó, chính quyền địa phương, người chăn nuôi cần chủ động, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Gửi phản hồi
In bài viết