Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2021, dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp đến tất cả hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Các chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể dục thể thao phải hoãn, hủy, dừng tổ chức; thị trường du lịch nội địa và quốc tế sụt giảm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, thích ứng nhanh chóng, sáng tạo, kịp thời đề xuất và tổ chức tốt nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức thông qua các nền tảng công nghệ số và mạng xã hội. Các mô hình hoạt động như nhà hát online, triển lãm online, tuyên truyền, cổ động qua hình thức online, số hóa tài liệu và phục vụ bạn đọc qua không gian mạng, phát hành phim trên nền tảng số... góp phần phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng đoàn kết, vượt qua đại dịch.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: MINH KHÁNH)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và ghi nhận những đóng góp của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Toàn ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt kết quả toàn diện, nổi bật, để lại nhiều dấu ấn trong năm 2021.
Về định hướng công tác năm 2022, đồng chí yêu cầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần thực hiện mạnh mẽ số hóa lĩnh vực du lịch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thay đổi cách thức quản lý du lịch bằng công nghệ; số hóa các di sản, di tích, gắn hiện vật, bảo vật với những câu chuyện cụ thể. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức Sea Games 31 chu đáo, an toàn. Bằng những công việc cụ thể, khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong mọi hoàn cảnh của đất nước...
Tiếp tục phương châm “Quyết liệt hành động-Khát vọng, cống hiến”, với chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2022 là “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả”, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung vào bốn khâu đột phá: Thể chế, thiết chế, nguồn nhân lực và chuyển đổi số, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Cụ thể trên các lĩnh vực:
Về văn hóa và gia đình: Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn bảo đảm an toàn dịch bệnh, tuyên truyền các sự kiện quan trọng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong và ngoài nước, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại.
Hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, hoàn thiện đề án Trung tâm phát hành phim trực tuyến, đề án Xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu phòng vé Việt Nam, hoàn thiện đề án Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; đề án Xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam…
Tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; tổ chức Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ 10 và Lễ trao tặng Danh hiệu sau khi có quyết định phong tặng của Chủ tịch Nước.
Về thể dục-thể thao: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Chỉ đạo các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục-thể thao các cấp, tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; tổ chức tốt các hội thi, giải thể thao quần chúng toàn quốc. Thực hiện tốt vai trò chủ nhà, tổ chức thành công và đạt thành tích cao tại SEA Games lần thứ 31. Chuẩn bị lực lượng tham dự, giành thành tích tốt tại Olympic mùa đông, ASIAD 19, Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á, Đại hội thể thao trẻ châu Á và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
Về du lịch: Phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa. Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn; tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và một số loại hình du lịch mới.
Xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030, 2040. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp tình hình dịch Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết