"Cần phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cuộc gặp diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022), tham dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số ủy ban của Quốc hội...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”; tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc.
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong công tác quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, từng tổ chức và cá nhân tiếp tục nhận thức, quán triệt một cách sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngành xuất bản, in phát hành sách đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục quán triệt, nghiên cứu Sắc lệnh số 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ngành nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác nền tảng công nghệ; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “ngành xuất bản, trong đó có cả xuất bản in, phát hành vừa là những chiến sĩ tiên phong trong mặt trận tư tưởng văn hóa và chúng ta có xây dựng được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc hay không, ngành đóng góp vai trò rất lớn”, và nhấn mạnh, sản phẩm lĩnh vực này “rất đặc thù, rất đặc biệt, mặc dù in rất đẹp, nhưng sai sót về nội dung, về tư tưởng lại tác động rất tiêu cực đến đời sống, kinh tế-xã hội của đất nước...”.
Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu dự buổi gặp mặt. (Ảnh Duy Linh)
“Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá và đề cập nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng; việc tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp phát hành xuất bản với doanh nghiệp công nghệ đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc nhiều nhà xuất bản đã đẩy mạnh thực hiện các xuất bản phẩm thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, về những chính sách, quyết định quan trọng của đất nước và các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định.
Những ấn phẩm chuyên đề về hoạt động giám sát, về diễn đàn thảo luận chuyên sâu của Quốc hội đối với các vấn đề quốc kế, dân sinh được tổng hợp, biên soạn, phát hành, đã trở thành kênh truyền thông hiệu quả về chính sách, pháp luật, qua đó, giúp cử tri và nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về các hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tạo sự đồng thuận để thực hiện thành công các chính sách, các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Dự kiến Luật Xuất bản cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung vào năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đại diện các nhà xuất bản tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản pháp luật liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những sản phẩm truyền thống trong lĩnh vực in ấn sẽ vẫn mãi tồn tại và phát triển; bên cạnh đó cần tiếp cận những tiên tiến của khoa học công nghệ.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông, trước mắt là hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; cần chú trọng tăng cường đưa sách đến với bạn đọc tại các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế...
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc, giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ngành xuất bản, in và phát hành sách sẽ quán triệt sâu sắc Thư gửi ngành xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch Quốc hội; quyết tâm xây dựng lập trường, bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện thật sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để quản lý, quy hoạch, phát triển ngành xuất bản Việt Nam với tinh thần luôn luôn đổi mới, tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dịp này, đại diện những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước nêu một số đề xuất cụ thể với Chủ tịch Quốc hội, đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén và quan trọng của Đảng và Nhà nước; không ngừng lan tỏa niềm tin, tạo động lực, khơi lên khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nỗ lực, quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế-công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết