Ngành Xuất bản với những thách thức của kỷ nguyên số

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đặt ra không ít vấn đề đối với các ngành kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Xuất bản - In - Phát hành. Cần thay đổi và thích ứng thế nào, đó là câu hỏi lớn được đặt ra, đặc biệt là với những người làm sách trẻ.

Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), Hà Nội Ngày nay giới thiệu bài viết của Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (Times) Vũ Trọng Đại về vấn đề này.

Đọc sách là một nhu cầu thiết yếu của con người. Ảnh: Vũ Minh

Ba làn sóng xuất bản

Làn sóng thứ nhất: Thập niên 1990. Sự nghiệp đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, đã đem lại thành tựu lớn cho Việt Nam hiện đại. Tác động của đổi mới đối với ngành Xuất bản thể hiện rõ rệt từ thập niên 1990. Khi ấy, Việt Nam từng bước mở rộng cánh cửa với thế giới, người Việt tăng cường tìm hiểu về thế giới bên ngoài để giao lưu và hợp tác. Bối cảnh đó dẫn đến nhu cầu về sách nhằm tìm hiểu về các nước Đông Nam Á, về các quốc gia có quan hệ trong lịch sử và đang trở thành những đối tác đầu tư lớn vào Việt Nam như Pháp, Nhật Bản..., và rộng hơn là các tổ chức quốc tế mà Việt Nam vận động để gia nhập. Một số quỹ văn hóa quốc tế đã hỗ trợ cho các nhà xuất bản Việt Nam trong giai đoạn này, có thể kể đến như Japan Foundation, Ford Foundation. Một số đơn vị xuất bản và phát hành đã bắt đầu vận hành theo cơ chế của kinh tế thị trường, cùng với đó là sự xuất hiện của một số doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, như First News - Trí Việt, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây...

Làn sóng thứ hai: Thập niên 2010. Luật Doanh nghiệp (ban hành năm 1999, chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2000) và Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả là hai cú hích quan trọng, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất bản ở Việt Nam. Bên cạnh các nhà xuất bản có truyền thống lâu năm như Chính trị Quốc gia - Sự thật, Giáo dục, Thế giới, Văn hóa - Thông tin, Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trẻ, Kim Đồng..., hàng loạt công ty sách ra đời trong giai đoạn này, đến nay, một số công ty vẫn nằm trong số các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Nhã Nam, Alpha Books, Đông A, Đinh Tị, Thái Hà Books... Sách trong giai đoạn này không chỉ cung cấp thông tin thường thức giúp tìm hiểu về thế giới như những năm 1990, mà đã được phân hóa rõ rệt theo các lĩnh vực: Văn học, thiếu nhi, kinh tế, kỹ năng...

Làn sóng thứ ba: Giai đoạn 2015 - 2020. Về cơ bản Việt Nam đã thỏa thuận xong với các tổ chức quốc tế, khối nước, các nước trên thế giới để hoàn thành các hiệp định song phương và đa phương, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Muốn hợp tác sâu rộng và phát triển hơn nữa, người Việt cần đi sâu hơn vào tri thức nền tảng của nhân loại. Đây cũng là giai đoạn phát triển nhanh và sôi động nhất của ngành Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam. Khái niệm “văn hóa đọc”, sau khoảng gần một thập niên vận động, đã trở nên quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng, có mặt trong các nghị trình chính sách. Kiến thức khoa học tưởng chừng “khó nhằn” nhưng nay được phổ biến rộng rãi, được độc giả đón nhận nồng nhiệt, trở thành trào lưu mới với hiện tượng là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Công ty Sách Omega Việt Nam - chuyên xuất bản sách khoa học nền tảng, kéo theo nhiều đơn vị xuất bản khác cũng làm sách khoa học. Thị trường phát hành giai đoạn này cũng bùng nổ với dấu ấn của thương mại điện tử: Thói quen tiêu dùng đã thay đổi, thị phần của các cửa hàng sách truyền thống thu hẹp, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử mà nổi bật nhất là Tiki, và hàng loạt cửa hàng và hình thức bán sách online trên các nền tảng công nghệ khác nhau, tiêu biểu là facebook.

Chủ động đón làn sóng thứ tư

Tuy doanh thu ngành Xuất bản Việt Nam vẫn tăng đều đặn hằng năm ở mức hai con số trong vòng một thập kỷ qua, song bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm nổi lên một số câu hỏi lớn.

Câu hỏi thứ nhất là, xuất bản truyền thống liệu có còn đóng vai trò là động lực cho sự phát triển của kinh tế, khoa học, văn hóa và giáo dục như trong lịch sử hay không? Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể thấy vai trò lớn lao của xuất bản như động lực cho sự tiến bộ của nhân loại. Kể từ khi Johannes Gutenberg phát minh ra công nghệ in chữ rời vào giữa thế kỷ XV, trong gần 600 năm cho đến mãi thập niên 1990, đó là một kỷ nguyên mà người ta gọi tên là Kỷ nguyên Gutenberg. Xuất bản sách giấy đã giữ vai trò gần như độc tôn trong việc tích lũy và truyền tải tri thức, hình thành nên cuộc Cách mạng khoa học đầu tiên, cuộc cách mạng khoa học này lại làm tiền đề cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Thế nhưng, ngôi vị của sách giấy hay xuất bản truyền thống bắt đầu bị lung lay trước sự xuất hiện và tính phổ biến ngày càng nhanh chóng của máy tính và mạng internet. Công nghệ xuất bản không còn đứng đầu trong chuỗi công nghệ, không còn là phương tiện độc tôn trong việc tích lũy và truyền tải tri thức nhân loại nữa. Hệ quả là, doanh thu xuất bản như là một ngành kinh tế cũng không còn chiếm tỷ trọng lớn như trong quá khứ vàng son.

Câu hỏi thứ hai: Vậy thì ngành Xuất bản có suy thoái và tiêu biến hay không? Dường như câu trả lời sẽ là “có” nếu như ngành Xuất bản không chuyển đổi theo đà phát triển của thời đại, cụ thể là dựa trên công nghệ mới. Xuất bản sách giấy chắc chắn không biến mất, nhưng phạm vi sử dụng đã thu hẹp rất nhiều so với trước. Ngành Xuất bản thế giới đã được tái định nghĩa thành ngành công nghiệp nội dung, tức là ngành cung cấp nội dung (thông tin, tri thức) - là thứ bất biến dù chất liệu và công nghệ có thể thay đổi qua thời gian. Trong khi đó, ngành Xuất bản Việt Nam đang chậm chạp, vẫn chưa định nghĩa lại để theo kịp đà thay đổi của ngành công nghiệp nội dung trên thế giới. “Cú sốc Covid” trong hai năm 2020 và 2021 khiến người ta nhận thấy những giới hạn giao dịch của sách giấy, in ấn và phát hành theo kiểu truyền thống, nhận ra ưu điểm và thế mạnh của sách số (sách điện tử, sách nói) và giao dịch điện tử, hơn thế nữa là nhu cầu đột biến của độc giả đối với các hình thức tiếp nhận thông tin, tri thức qua internet.

Câu hỏi thứ ba: Ngành Xuất bản thay đổi bằng cách nào? Các thành tựu gần đây về trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) như ChatGPT, Midjourney hay Google Translate... làm dấy lên nỗi lo ngại lớn, đến mức hãng tin Bloomberg đã cảnh báo về tình trạng mất việc làm trong một loạt lĩnh vực ngành nghề, trong đó có lĩnh vực sáng tạo (bao gồm cả xuất bản). AI có thể viết nội dung, thiết kế bìa... còn các phần mềm dịch thuật, biên tập ngày càng trở nên phổ biến, đe dọa việc làm của nhân sự thuộc hầu như mọi khâu trong hoạt động xuất bản truyền thống: Bản quyền, biên tập, thiết kế... Không còn cách nào khác, ngành Xuất bản không thể chỉ hô khẩu hiệu chuyển đổi số, mà phải thực sự nắm bắt lấy các công nghệ tiên tiến, chuyển dịch/nâng cấp lực lượng lao động để có khả năng vận dụng công nghệ, phát triển những sản phẩm số đáp ứng nhu cầu và thị hiếu xã hội đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Đây chính là Làn sóng thứ tư, là thách thức lớn lao đòi hỏi ngành Xuất bản Việt Nam phải vượt qua và chinh phục, chỉ như vậy thì mới có thể tiếp tục giữ vai trò tích cực trong quá trình phát triển của đất nước.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục