Ngày nước Thế giới 22-3: Khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngầm

- Thông điệp của Ngày nước Thế giới năm nay được gửi đi là “Nước ngầm - Biến thứ vô hình thành hữu hình”.

Hơn 2 năm nay, đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày tại 2 thôn Quân và thôn Toạt, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) không còn phải nối ống, dẫn nước từ suối về nhà để sử dụng nữa mà đã được dùng nước hợp vệ sinh. Ông Triệu Văn Giáp, Trưởng thôn Toạt phấn khởi cho biết, dân bản mình được dùng nước của bản rồi, trong, sạch lắm, không phải chờ nước suối chảy về nữa đâu. Theo ông Giáp, nước được bơm từ công trình nước sạch nông thôn, theo đường ống dẫn về đến từng hộ tiện lắm, không bị thất thoát.

Đồng chí Ma Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, trước đây trên 170 hộ dân của 2 thôn Toạt và Quân sử dụng nước suối chảy về. Năm 2020, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn, công trình được đặt ngay tại thôn Toạt. Nguồn nước cung cấp cho người dân được khai thác dưới độ sâu 100m. Theo ông Quỳnh, sau hơn 2 năm khai thác nguồn nước vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và các tổ chức đóng trên địa bàn.

Người dân thôn Lương Cản, xã Công Đa (Yên Sơn) tự ý khoan giếng để khai thác nước.

Cũng từ năm 2020, hàng chục hộ dân thôn Lục Liêu, xã Tân Thanh (Sơn Dương) được sử dụng nguồn nước sạch được khai thác dưới lòng đất sâu thay vì sử dụng nước suối như trước. Đồng chí Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết, khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, người dân trong thôn Lục Liêu chủ yếu sử dụng nước khe lạch trên núi nên chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh. Khi có chủ trương xây dựng công trình cấp nước sạch, nhiều hộ dân trong xã đã tham gia đóng góp ngày công lao động để đào, đắp các tuyến ống dẫn nước. Có nước sinh hoạt, đời sống của người dân trong xã đã được nâng lên nhiều. 

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh là ước tính khoảng 46,8 tỷ m3, trong đó trữ lượng nước mặt là trên 45,3 tỷ m3, trữ lượng nước dưới đất là 1,5 tỷ m3. Toàn tỉnh có trên 3.000 công trình khai thác nước đang hoạt động, tổng lượng nước khai thác hàng năm phục vụ sản xuất, sinh hoạt hàng năm khoảng 62 triệu m3 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Đánh giá của ngành chức năng, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 98%.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Phó trưởng Phòng Môi trường, nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngoài các công trình được thăm dò khai thác theo đúng quy định tình trạng người dân tự ý sử dụng máy móc, thiết bị khoan giếng, khai thác nguồn nước ngầm không có sự đánh giá thăm dò, cấp phép của ngành chức năng, chính quyền địa phương diễn ra khá nhiều, cần phải xử lý nghiêm.

Người dân thôn An Thịnh, xã Đông Lợi (Sơn Dương) sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nông thôn.

Tại các xã Thái Long (TP Tuyên Quang), xã Trường Sinh (Sơn Dương), Công Đa (Yên Sơn)... không hiếm gặp những giếng khoan được các hộ dân tự ý thuê máy khoan cỡ lớn để khai thác nguồn nước ngầm. Điều đáng nói là việc khoan không có sự đánh giá, thăm dò nên nhiều hộ dân khoan 3-4 mũi khoan xuống độ sâu vài chục mét để tìm mạch nước. Những lỗ khoan này không được trám lấp là nguyên nhân gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước, trong đó có nguồn nước ngầm hiệu quả chính là giải pháp tối ưu để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Do vậy, các tổ chức, cá nhân, cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ làm suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm, trong đó có việc thực hiện nghiêm quy định không tự ý khoan giếng khi chưa được cấp phép; bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả...      

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục