Ngày Phòng chống tăng huyết áp 17-5: Cẩn trọng với “kẻ giết người” thầm lặng

- Tăng huyết áp là bệnh mãn tính nguy hiểm, được ví như “kẻ giết người” thầm lặng bởi đa phần người bệnh không có triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước và khi phát hiện bệnh thì có thể đã gặp tai biến nặng nề. Theo các chuyên gia y tế, những người thừa cân, béo phì, mắc bệnh thận, bệnh nội tiết, nhiễm độc thai nghén, chế độ ăn uống không hợp lý… là những đối tượng dễ bị tăng huyết áp.

Những ngày thời tiết nắng nóng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ghi nhận lượng bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, trên 90% bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Nội tim mạch đều có biểu hiện tăng huyết áp. Theo đó, nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng làm cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém. Ngoài ra, những bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý hô hấp… có nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp cao hơn bình thường trong thời điểm thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, liên tục.

 

Chị Nguyễn Thị Ngoan, tổ 3, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) đưa người nhà nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp trên nền tai biến cũ. Chị chia sẻ, thời tiết nắng nóng, diễn biến bất thường khiến chồng chị khó ngủ, ăn uống kém, huyết áp tăng đột ngột. Khi đưa vào bệnh viện điều trị, chồng chị được các bác sỹ theo dõi, kiểm soát huyết áp, điều trị các triệu chứng bệnh, dùng thuốc hạ mỡ máu để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hiện nay, tăng huyết áp đã trở thành bệnh phổ biến và đang có nguy cơ trẻ hóa. Theo bác sỹ CKI Trần Mạnh Dương, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, có rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi trải qua cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Như vậy để cho thấy người mắc tăng huyết áp nhiều khi không có các triệu chứng rõ ràng hay có biểu hiện báo trước. Tăng huyết áp có thể gây ra những di chứng nặng nề không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biến chứng thường gặp đó là nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não, các biến chứng về thận, mắt…

Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tăng huyết áp do thành động mạch bị lão hóa, giảm tính đàn hồi khiến áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Đây là bệnh lý mãn tính ở người cao tuổi với những biến chứng diễn ra âm thầm, kéo dài do khó kiểm soát. Bà Chu Thị Quế, tổ 23, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) chia sẻ, mỗi khi huyết áp tăng cao, bà lại thấy khó thở, đau tức ngực. Hiện tại bà phải thường xuyên đến viện để kiểm tra, theo dõi định kỳ và dùng thuốc điều trị do bị suy tim độ 4 kèm cao huyết áp.

Việc kiểm soát huyết áp tốt giúp mỗi người giảm được các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp kéo dài tuổi thọ. Theo khuyến cáo của các bác sỹ, người bị tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, các loại chất béo động vật, nội tạng động vật. Thay vào đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất, bổ sung các loại rau xanh, hoa quả, các vi chất dinh dưỡng, chất béo có lợi cho sức khỏe vào thực đơn hàng ngày. Người bị tăng huyết áp cũng nên vận động, thể dục đều đặn ở mức độ vừa phải, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh hoặc kích thích đột ngột. Khi có các dấu hiệu bất thường như chóng mặt, khó thở, đau đầu, buồn nôn… cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Thời tiết nắng nóng khi sắp bước vào hè ảnh hưởng rất lớn đến người bị tăng huyết áp, nhiệt độ cao cũng là điều kiện dẫn đến nguy cơ đột qụy. Mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra đường khi trời nắng nóng, không đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài, uống đủ nước và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sỹ.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục