Đại dịch và lịch sử nghệ thuật thế giới
Khi đời sống xã hội có nhiều bất ổn, người ta coi nghệ thuật như một nơi trú ngụ của tâm hồn. Lịch sử nghệ thuật thế giới ghi nhận những giai đoạn phát triển rực rỡ nhất chính vào những thời kỳ khủng hoảng đen tối nhất của xã hội, chẳng hạn như khi đại dịch hoành hành.
Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây do trang Columbia College Today tổ chức, giáo sư Franco Mormando (Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn học lãng mạn tại Cao đẳng Boston, Mỹ) đã chia sẻ về mối quan hệ giữa đại dịch và thành tựu nghệ thuật. Theo ông, bệnh dịch hạch gieo rắc “cái chết đen” ở châu Âu vào giữa thế kỷ XIV và còn tái phát cục bộ ở nhiều thành phố vào thế kỷ XVIII, là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhưng đó cũng là tiền đề tạo ra nhiều tác phẩm nổi tiếng.
“Hai trong số tác phẩm kinh điển, quan trọng nhất của văn học Ý lấy bệnh dịch làm chủ đề trung tâm là “Decameron” của Boccaccio vào thế kỷ XIV và “The Betrothed” của Manzoni vào thế kỷ XIX. Nghệ thuật phản ánh thực tế, giúp chúng ta hiểu thực tế và phản ứng với thực tế đó. Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người thích nhìn thấy trải nghiệm của họ được phản chiếu qua một phương tiện khác, đặc biệt là nghệ thuật, gây ấn tượng về mặt thị giác, sau đó di chuyển đến trái tim”, giáo sư Franco Mormando chia sẻ thêm.
Về tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, nhiều học giả cho rằng các hoạt động hiện nay cho thấy sự vận động phù hợp với quy luật của lịch sử nghệ thuật. Nghệ thuật phản ánh thực tại cuộc sống trong đại dịch, đồng thời trở thành nguồn động viên to lớn đối với con người để vượt qua cơn khủng hoảng này.
Thách thức từ đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 có tác động to lớn tới nền kinh tế thế giới, cũng khiến cho rất nhiều loại hình nghệ thuật ngừng hoạt động, nhiều nghệ sĩ rơi vào cảnh thất nghiệp. Như tại Mỹ, nhiều dự án đã bị hủy bỏ hoặc tạm dừng. Một cuộc khảo sát của American for the Arts, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, DC, cho thấy 62% nghệ sĩ hoàn toàn thất nghiệp và hơn 94% bị mất thu nhập do đại dịch.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các hoạt động sáng tạo bị gián đoạn. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời, kịp thời phản ánh sự thay đổi của cuộc sống, tâm lý con người trước đại dịch. Tờ Washington Post gần đây đã kêu gọi độc giả chia sẻ tác phẩm nghệ thuật mà họ đã tạo ra trong đại dịch và đã nhận được hơn 650 bài gửi từ nhiều quốc gia. Đa số tác phẩm gửi dự thi là tranh, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt... Chịu đựng sự cách ly, một điều chưa từng có trước đây, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện cảm giác cô đơn của con người trong nỗi hoảng loạn vì dịch bệnh. Những người khác miêu tả nỗi khao khát được trở về cuộc sống bình thường, những chiêm nghiệm về sự mong manh của cuộc sống... Nhưng, nhiều nhất vẫn là những tác phẩm cho thấy sự lạc quan của con người trước khó khăn.
Nhìn rộng hơn, có thể thấy nghệ thuật đang góp sức vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên bình diện toàn thế giới. Câu chuyện mà Swapneil Parikh, nhà nghiên cứu nội khoa và nghiên cứu lâm sàng trong phòng thí nghiệm phân tử của Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Kasturba, Mumbai, Ấn Độ, từng chia sẻ, được nhiều tờ báo đăng tải lại đã cho thấy rất rõ điều này. Từ tháng 5 đến tháng 8-2020, ở Mumbai, các cơ sở y tế bị quá tải, bệnh nhân hoang mang tột độ. Trong lúc đó, những bác sĩ ở đây đã nảy ra sáng kiến “Một ngày tươi sáng hơn”. Họ dùng các tác phẩm nghệ thuật để trang trí cho bệnh viện dã chiến nhằm mang ánh sáng niềm tin vào những không gian có phần u tối và nhắc nhở mọi người rằng một ngày tươi sáng hơn đang ở phía trước. Và điều này đã tạo hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân ở đây. Rõ ràng, nghệ thuật có thể mang lại hạnh phúc và hy vọng cho nhiều người.
Giá trị của những tác phẩm nghệ thuật đôi khi cần một khoảng lùi thời gian để có thể đánh giá một cách đầy đủ hơn. Nhưng rõ ràng, phong trào sáng tác nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 hiện mang tính toàn cầu. Nó mang lại sức mạnh tinh thần rất lớn, nâng đỡ con người khỏi hiện thực u ám và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết