Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Tuyên Quang được công nhận
là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chị Bàn Thị Khé đang ngồi bên hiên nhà hướng dẫn cô con gái học thêu cho biết, đối với người Dao mặc trang phục dân tộc vừa là sự tự hào, hãnh diện, vừa mang yếu tố tâm linh. Bởi đối với người Dao trong mọi nghi lễ cúng, nhất là cúng cấp sắc thì các thành viên của gia đình đều phải mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình. Gia đình nào tự làm được trang phục thì tổ tiên sẽ chứng giám cho lòng thành. Nhờ vậy mà đối với người phụ nữ Dao việc cắt may, thêu thùa trang phục cho gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, không thể không làm.
Đối với người Dao dệt, nhuộm vải bông đã là một kỳ công, thì phần thêu thùa là cả một nghệ thuật công phu. Có những bộ chủ nhân phải hoàn tất trong 1 - 2 năm mới xong nên giá của bộ trang phục khá cao. Khi thêu người phụ nữ Dao khéo léo phối các gam màu, song sắc đỏ vẫn là chủ đạo. Họa tiết có thể là hình ngôi sao, chiếc lá, quả trám. Nhưng tựu chung nó phải theo một quy luật nhất định thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, triết lý sống, gu thẩm mỹ của người Dao. Với hơn 100 nghìn dân với 9 ngành Dao: Dao đỏ (Đại Bản), Dao tiền (Tiểu Bản), Dao quần chẹt, Dao áo dài (Dao Tuyển), Dao thanh y, Dao quần trắng, Dao coóc ngáng, Dao coóc mùn, Dao ô gang (có nơi gọi là Lồ gang - Thanh phán) trang phục đồng bào Dao Tuyên Quang được coi là đẹp, sặc sỡ, cầu kỳ và đa dạng nhất so với các dân tộc khác trên địa bàn.
Tại thôn Đồng Khuân, xã Phú Lương (Sơn Dương) lúc rảnh rỗi các bà, các mẹ, các chị người Dao quần chẹt lại mang vải thổ cẩm ra thêu. Chị Dương Thị Hằng trước kia được bà rồi mẹ hướng dẫn, giờ đường kim mũi chỉ đã tương đối thuần thục. Chị Hằng cho rằng đối với người Dao quần chẹt khi đi lấy chồng phải tự thêu trang phục cho mình. Qua thêu thùa người đàn ông Dao mới đánh giá cao sự khéo léo, đảm đang của người con gái mình yêu. Trong thôn các cháu gái từ 13 - 14 tuổi đều được mẹ hướng dẫn cách thêu. Đầu tiên là bài học thêu khăn, sau đó được nâng cấp lên những công đoạn khó hơn. Nhiều cháu sáng dạ, chỉ bảo một thời gian ngắn là đã thêu được thoăn thoắt. Về họa tiết hoa văn, có thể thêu theo lối hoa văn cổ hay là tự mỗi người thêu tưởng tượng, biến tấu hình chim muông, cỏ cây hoa lá để làm sao cho bộ trang phục của mình và các thành viên gia đình nổi bật nhất.
Câu lạc bộ Thêu trang phục Dao Tiền thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, Na Hang hoạt động sôi nổi, hiệu quả.
Vào thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên) chúng tôi bắt gặp các bà, các chị vẫn mặc trang phục dân tộc Dao quần trắng trong sinh hoạt hàng ngày. Chứng tỏ việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở đây thực hiện khá tốt. Bà Hoàng Thị Tham, người cao tuổi trong làng vẫn đang say sưa dạy mấy cháu gái dệt vải, thêu thùa. Bà bảo trước kia tôi lo lắm, sợ các cháu mặc quần áo phổ thông quen rồi, sau này không biết may trang phục truyền thống. Nhưng từ khi bà thấy các trường nội trú tỉnh, các huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cho học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày chào cờ. Không dừng lại ở đó, các trường thành lập các câu lạc bộ thêu thùa nhằm hướng dẫn, giao lưu cho các em nắm vững kiến thức cơ bản nên bà Tham cũng khá yên tâm.
Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao của tỉnh khẳng định, trang phục dân tộc là hồn cốt của người Dao, không có trang phục sẽ không có lễ cấp sắc. Ý thức được tầm quan trọng và nét văn hóa độc đáo đó, người Dao luôn chú trọng việc truyền nghề thêu cho con cháu, duy trì cho hậu thế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều câu lạc bộ thêu thùa, hoạt động sôi nổi, thiết thực. Cụ thể như Câu lạc bộ thêu trang phục Dao tiền thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang). Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào ngày cuối tuần tại nhà văn hóa thôn. Qua giao lưu mọi người có thể trao đổi để nâng cao kỹ năng thêu sao cho bền, đẹp, nhanh. Vừa qua nhiều du khách lên với Hồng Thái được tận mắt xem chị em thêu, rồi thuê trang phục mặc để chụp ảnh, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc. Đồng thời thúc đẩy phát triển nghề thủ công truyền thống, phát triển du lịch của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết