Đặt tên cho "những đứa con tinh thần"

- Cuộc sống chính là văn học nghệ thuật”. Được ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học nghệ thuật - bằng chức năng và tác dụng diệu kỳ của mình, đã mtiếp xúc, thu nhặt những chất liệu để khám phá, tái hiện tạo nên những giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Trên hành trình hoàn thiện tác phẩm bên cạnh tìm tòi biểu đạt nội dung thì mỗi văn nghệ sỹ luôn tìm cách đặt tên cho “đứa con tinh thần” một cách độc đáo, ấn tượng để tác phẩm được “tỏa hương”.

Tác phẩm “Giọt thời gian” của tác giả Lê Đức,
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Trên các cuộc bàn thảo văn đàn, khi nói về cách đặt tên, tiêu đề hay nhan đề cho một tác phẩm thì các nhà lý luận phê bình luôn nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của bước này. Bởi nhan đề được ví như gương mặt, diện mạo của một con người. Có được diện mạo đẹp thì sẽ gây ấn tượng tốt cho người đối diện. Việc đặt tiêu đề cho tác phẩm cũng vậy, cần sự trau chuốt kỹ lưỡng để có được tiêu đề vừa có tính khái quát cao vừa cô đọng được cái “thần”, cái “hồn” của tác phẩm.

Ở mỗi loại hình sáng tác, các tác giả sẽ có cách đặt tiêu đề riêng. Tuy nhiên ở lĩnh vực nào cũng khuyến khích sự sáng tạo, mới lạ, tránh lối mòn. Đối với lĩnh vực văn học thì theo nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, có rất nhiều cách đặt khác nhau tùy theo dụng ý tác giả. Đối với truyện ngắn, tiểu thuyết thì thường có những cách đặt tên tiêu đề theo kiểu là tóm lược, khái quát nội dung tác phẩm, ví như là: “Ma làng” của Trịnh Thanh Phong, “Chuyện trong làng ngoài xã” của Vũ Xuân Tửu, “Trong vòng tay của chúa” của Dương Đình Lộc...; hoặc lấy bối cảnh thời gian, không gian như “Trăng khuyết”, “Trăng hạ tuần” của Trần Huy Vân; “Tiếng sáo trong đêm” của Tạ Ngọc Dũng; “Mùa sắn đắng” của Huyền Nhung...; lấy tên nhân vật chính làm tên tác phẩm “Trần Nhật Duật”, “Người con gái Thăng Long” của Phù Ninh; “Chùa Bầu” của Vũ Xuân Tửu...

Còn ở thơ các tác giả thường đặt nhan đề theo tâm trạng, cảm xúc. Nếu có tựa đề hay sẽ giúp tác giả khơi
nguồn cảm xúc cho mạch thơ tuôn chảy, tạo nên những “đứa con tinh thần” ưng ý. Điển hình như: “Giấc mơ hạt thóc” của Đinh Công Thủy, “Mưa về thành Tuyên” của Cao Xuân Thái, “Nỗi nhớ mùa đông” của Huyền Nhung...

Ở thể loại nhiếp ảnh, mỹ  thuật, nhiều tác giả lại thích sự đơn giản, dung dị trong đặt tên. Đi theo lối này, nhiều nhiếp ảnh cho rằng, một cái tên giản dị, không đa nghĩa sẽ dành nhiều “khoảng trống” hơn cho việc thưởng ngoạn của người xem. Ví như tranh “Góc phố 1”, “Góc phố 2” của Lương Ánh Hiện; “Dọc mùng 1”, “Dọc mùng 2” của Dương Xuân Quyền; “Ngày mùa” của Nguyễn Chính, “Sương sớm vùng cao” của Quang Minh, “Cụ già người Mông” của Ma Tuyên... Họa sỹ Lương Ánh Hiện chia sẻ, kiểu đặt tên “vẽ gì gọi tên thế” có nội hàm cảm xúc và tư tưởng phong phú hơn nhiều. Từ đó, giúp người xem có những phút giây lắng đọng, để cảm thấu được điều tác giả gửi gắm.

Không cầu kỳ, không chút trừu tượng, khó hiểu. Các họa sỹ lớn lớp trước dường như đều thích sự đơn giản, dung dị trong đặt tên. Điển hình như họa sỹ Bùi Xuân Phái thường đặt tên tranh theo lối hết sức giản dị, gần như “vẽ gì nói đó” như: “Phố Hàng Bạc”, “Phố Hàng Tre”, “Phố Hàng Giấy”, “Phố Hàng Nón”... Hoặc có thể kể đến tựa đề “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An, “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng, “Bình văn” của Lê Huy Miến, “Ngày mùa” của Dương Bích Liên...

Bên cạnh đó nhiều nhiếp ảnh gia và họa sỹ khá cầu kỳ, họ chú trọng đặt tên tác phẩm gợi được cảm xúc thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn, gợi được những điều sâu sắc ẩn chứa sau màu sắc, đường nét, nội dung trong ảnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính chia sẻ, đặt tên cho tác phẩm ảnh nghệ thuật phải có tính văn học, phải thoát ra khỏi nghĩa đen thông thường mà hình ảnh đã thể hiện. Bởi vậy việc đặt tên cho bức ảnh cũng giống như nhà thơ tìm tứ thơ. Điển hình như: “Ánh sáng về bản” của Nguyễn Chính; “Phượng hoàng về tổ” của Quang Minh, “Giọt thời gian” của Lê Đức, “Góc phố hoài niệm” của Ma Tuyên...

Như vậy, tựa đề có chức năng định hướng sự tiếp nhận, cảm thụ của độc giả với tác phẩm. Do đó, mỗi cái tên tác phẩm nghệ thuật có vai trò quan trọng, tựa như là “chìa khóa” giúp kết nối công chúng và tác phẩm.
Ở mỗi lĩnh vực, các tác giả  sẽ có cách đặt tên riêng cho từng tác phẩm. Đây cũng là quá trình sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi tác giả phải tìm tòi để có được những tựa đề mới lạ, ấn tượng góp phần cho sự thành công trọn vẹn của tác phẩm.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục