Đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế của người phụ nữ Lô Lô đen.
Nguyên liệu trang phục của phụ nữ Lô Lô đen là vải chàm đen. Trên nền chàm đen là cả một nghệ thuật sắp đặt, trang trí ở những vị trí nổi bật, tạo điểm nhấn bắt mắt: dọc nút áo, dọc giữa thân sau và cánh tay áo, với sự phối màu mang giá trị thẩm mỹ và triết lý về vũ trụ quan. Những màu được ưu tiên là vàng, đỏ, xanh, tím. Các màu sắc này được phối trộn khá cầu kỳ bằng những đường chỉ khâu đáp, thêu trên những mảnh vải nhỏ hình vuông khoảng 15 cm x15 cm. Đó là những nét họa tiết mô phỏng thế giới thiên nhiên, vũ trụ như cây cỏ, hoa lá, con vật, tia ánh sáng... Đặc biệt, là những đường khâu chỉ nhiều màu và những mảnh gồm 4 vàng, đỏ, tím, xanh (lam) khâu đáp trực tiếp trên hai cánh tay áo đã tạo nên dấu ấn đặc trưng, độc đáo trong nữ phục dân tộc Lô Lô đen. Cả 4 màu kể trên đều thuộc màu nóng, tương sinh. Trong đó, có đến 3 màu được coi là màu bậc nhất, cơ bản trong hội họa (vàng, đỏ, xanh lam). Sự lựa chọn phối hợp các sắc màu mạnh, cơ bản đã tạo ấn tượng tổng thể hài hòa về sự mạnh mẽ, khỏe khoắn như chính con người Lô Lô đen – cộng đồng dân tộc hàng trăm năm sống an nhiên, vững chãi giữa không gian núi cao rừng thẳm.
Những mảnh ghép nhiều màu khâu tay.
Phụ nữ Lô Lô đen biết làm trang phục từ khi còn nhỏ. Lên 7-8, các bé gái đã tập khâu vá, thêu thùa cùng mẹ, cùng bà. Trở thành thanh nữ, họ bắt đầu tự tay làm những bộ trang phục đẹp để mặc và nhất là để chuẩn bị về làm dâu nhà người. Những đường kim mũi chỉ trên trang phục không chỉ thể hiện sự khéo léo, tinh tế mà còn chứng tỏ, người con gái ấy chịu thương, chịu khó, đảm đang hay làm. Đây chính là phẩm chất, là tiêu chí chọn vợ của người đàn ông Lô Lô đen. Các chàng trai Lô Lô đen khi chọn vợ, bao giờ cũng chú ý đến cách ăn mặc và sự khéo léo trong công việc nội trợ, thêu thùa, khâu vá của cô gái. Và trong việc dạy dỗ, bảo ban của các gia đình có con gái, dạy con gái biết khâu vá, thêu thùa, ngay từ lúc còn nhỏ là việc được coi trọng của các bà cac mẹ các chị. Còn đối với đằng nhà trai, cô dâu đi lấy chồng, mang theo càng nhiều trang phục tự làm, chứng tỏ họ đã chọn được cô dâu tốt, chăm chỉ, khéo tay hay làm.
Những người phụ nữ Lô Lô đen thôn Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đang thêu đáp mảnh ghép trang trí nữ phục.
Để hoàn thiện một bộ trang phục (quần, áo, khăn đội đầu), khâu se lanh, dệt vải, nhuộm chàm đến cắt khâu ráp, thêu đáp cũng phải mất hàng tháng. Tuy nhiên, công phu nhất là công đoạn cuối cùng: trang trí, thêu, khâu đáp. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần cù, tỉ mỉ cùng con mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo. Không cần vạch phấn để vẽ trên nền vải, những đôi tay khéo léo của họ khác lựa theo trí tưởng tượng để thêu, khâu. Đó là những hình ảnh mộc mạc, giản dị, thân thuộc với đời sống bình lặng của cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người ở xứ quanh năm mây phủ. Những đường chỉ cẩn thận, tỉ mỉ, thong thả, an nhiên cũng như đời sống của họ. Vì đó là công việc hàng ngày, mỗi lúc nhàn rỗi. Chẳng hề câu nệ phải gắng làm, làm rốn cho xong ngày một ngày hai. Những người phụ nữ Lô Lô đen chọn những lúc rảnh việc nương rẫy, nội trợ… để cùng nhau khâu vá, thêu thùa như công việc thường nhật. Đến thôn Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, hay bất cứ bản làng nào của đồng bào Lô Lô đen, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của họ. Đó là cảnh những người phụ nữ đủ độ tuổi ngồi trên sàn phơi dưới ánh nắng xế trưa, đầu chiều, lựa từng đường kim mũi chỉ đủ màu trên nền vải sắc chàm.
Phụ nữ Lô Lô đen thôn Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng trong trang phục truyền thống.
Khi được hỏi, những hình ảnh đang khâu thêu mang ý nghĩa gì, các cô, các chị chỉ hồn hậu trả lời “người già khâu thế giờ mình cũng khâu thế”. Nhưng, có lẽ mọi người đều cảm nhận, những đường kim mũi chỉ từ đời này sang đời khác ấy đã trở thành dấu ấn nghệ thuật trang phục, là mạch huyết văn hóa của người Lô Lô đen.
Tuy không rực rỡ, lộng lẫy như trang phục của dân tộc Dao đỏ, Mông, Pà Thẻn, Phù Lá… nhưng nữ phục của đồng bào Lô Lô đen có vẻ đẹp riêng duyên dáng, hấp dẫn bởi họa tiết trang trí của những miếng đáp nhiều màu phối hợp hài hòa, tinh tế mang đậm dấu ấn của một cộng đồng dân tộc vùng cao. Có thể nói, nghệ thuật khâu đáp đã tạo nên sự độc đáo trong nữ phục của người Lô Lô đen. Và trong một chừng mực nào đó, có thể coi là một trong những yếu tố đặc trưng, nhận diện bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô đen.
------------------------------------------------
Bài viết là sản phẩm của Đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình sinh kế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống cho cộng đồng một số DTTS có điều kiện khó khăn khu vực miền núi phía Bắc”. MS: ĐTCB.UBDT.05.22.24
PGS. TS Phạm Thị Phương Thái
Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
Gửi phản hồi
In bài viết