Nghệ nhân Sùng Thị Xé tỉ mỉ thêu ghép vải.
Với mong muốn lưu giữ và quảng bá nghề thủ công của các dân tộc thiểu số, buổi trình diễn kỹ năng thêu truyền thống của dân tộc H’Mông trắng do Craft Link tổ chức đã diễn ra vào ngày 21/7 tại Hà Nội. Hoạt động có sự góp mặt của nghệ nhân Sùng Thị Xé và Hầu Thị Dài đến từ xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Giới thiệu về kỹ thuật thêu đặc trưng của người H’Mông trắng, nghệ nhân Sùng Thị Xé chia sẻ: “Trang phục có ý nghĩa rất lớn với người vùng cao. Nhìn vào đó, chúng tôi biết được nguồn cội và bản sắc của dân tộc mình. Vì thế, hầu hết, phụ nữ H’Mông đều biết thêu ghép vải từ nhỏ, xem nó là truyền thống của gia đình”.
Xã Y Tý nằm trên cực Bắc huyện Bát Xát, là một trong những vùng đất xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Trang phục thông thường của phụ nữ nơi đây bao gồm: khăn quấn nhiều lớp trên đầu, áo với phần sau cổ có hình chữ nhật, quần ngắn đến bắp chân, tạp dề và xà cạp trơn màu đen.
Tạp dề được xem là phần phải làm công phu và sử dụng nhiều chi tiết ghép vải nhất trong bộ trang phục. Tấm tạp dề phía trước có một mặt màu xanh, ghép từ 3 miếng vải, chéo ở góc. Phần chính giữa được thêu ghép vải thành một tấm hoa văn to hình chữ nhật ngang và hai miếng chữ nhật nhỏ nằm dọc hai bên. Phần thắt lưng nối với tạp dề ghép mỗi bên ba ô vuông có hoa văn hình xoắn ốc. Xen kẽ giữa những ô vuông này là các đoạn vải trơn màu đỏ, có thêm vài đường chỉ trắng thêu theo chiều dọc.
Cận cảnh hoa văn hình xoắn ốc đặc trưng trong kỹ thuật thêu ghép vải của người H’Mông trắng.
Cùng mẹ tham gia buổi biểu diễn, Nguyễn Phương Thảo, 14 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ thích thú: “Buổi trình diễn và trải nghiệm rất thú vị. Mỗi một đường kim, mũi chỉ đều thể hiện khả năng sáng tạo trong may mặc của người H'Mông. Thoạt nhìn, cách thêu này có vẻ khá khó, nhưng chỉ cần quan sát kỹ và may theo hướng dẫn của nghệ nhân thì em đã có thể nhanh chóng học được chúng”.
Kỹ thuật ghép vải kiểu trổ thủng là nét đặc trưng trong may mặc của nhóm dân tộc H'Mông trắng. Kỹ thuật này được sử dụng để tạo ra các mảng hoa văn trên cổ áo, tay áo, thắt lưng, tạp dề và địu trẻ em. Tuy sắc màu của hoa văn này không quá sặc sỡ, nhưng lại sức lôi cuốn người nhìn bởi các đường thêu vô cùng uyển chuyển và mềm mại.
Để làm ra một sản phẩm thêu ghép vải cần trải qua 5 công đoạn. Trước tiên, trên nền vải dày và sẫm có màu đen hoặc xanh, người H'Mông sẽ đặt một miếng vải trắng, gấp cạnh và khâu cố định. Các đường hoa văn sẽ được vẽ và khâu lược bằng chỉ thưa theo dạng xoắn ốc rồi bị cắt thủng. Sau đó, họ khéo léo vén các cạnh vừa cắt rồi dùng mũi chỉ ngắn để khâu giấu thật kín phần vải tưa. Khi đã viền hết các đường hoa văn trổ thủng, họ dùng chỉ màu thêu đường móc xích để đè lên trên nền trắng cho đến khi tấm vải được che phủ kín. Cuối cùng, họ dùng chỉ trắng khâu các mũi đột nhỏ li ti ở chính giữa các nét của phần nền sẫm còn lộ ra để hoàn thiện mảnh thêu.
Sự kiện là dịp để nhiều bạn trẻ tìm hiểu về trang phục truyền thống của dân tộc H’Mông.
“Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng có thể góp phần khôi phục những truyền thống văn hóa, tăng thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao nhận thức của công chúng về các nghề thủ công truyền thống”, chị Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link cho biết.
Mỗi nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có kỹ thuật thêu, dệt riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Từng họa tiết thêu tỉ mỉ đều mang những ý nghĩa và biểu tượng riêng, ẩn chứa trong đó là giá trị văn hóa, tín ngưỡng và sự dụng công của người làm ra nó. Với nghệ thuật thêu ghép vải của người H’Mông trắng, điều này đã khiến các sản phẩm thủ công của họ cũng trở nên đẹp hơn, đặc sắc hơn và trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Gửi phản hồi
In bài viết