Tự động cập nhật
11h15: Kết thúc chương trình hội nghị buổi sáng
Báo Tuyên Quang online sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung hội nghị chiều nay.
10h30: Quán triệt các nghị quyết, đề án về phát triển du lịch, nguồn nhân lực
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Đề án của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đế năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí nhấn mạnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định 1 trong 3 khâu đột phá là: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, vì vậy việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết.
Nghị quyết đặt ra 12 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 8 mục tiêu đến năm 2030. Trong đó, một số mục tiêu nổi bật như: xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động; đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch…
Đồng chí cho biết, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và phân công tổ chức thực hiện một cách bài bản, sẽ bảo đảm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đối với Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí nhấn mạnh, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trong tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện đề án sẽ góp phần cụ thể hóa, thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%; cơ cấu nhân lực theo hướng tăng dần lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần trong nông lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực; thu hút 130 người có trình độ cao; hỗ trợ 631 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học.
Việc phát triển nguồn nhân lực được thực hiện theo bậc đào tạo, lĩnh vực, ngành đặc thù, theo một số chủ thể tham gia phát triển. Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện trên 905 tỷ đồng. Với 8 giải pháp chủ yếu, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng, hoàn thiện hơn nữa.
9h15: Quán triệt các nghị quyết, đề án về phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang.
Quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2030, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh, Tuyên Quang có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 76% tổng diện tích tự nhiên, có tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp và luôn được quan tâm đầu tư, xác định là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ cao nhất cả nước. Việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm xác định những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để khắc phục những hạn chế thời gian vừa qua, phấn đấu đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.
Giai đoạn 2021 - 2015 với 12 mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; trồng rừng tập trung 48.500 ha, bình quân trồng trên 9.700 ha/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22 m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000 m3, bình quân khai thác trên 1.100.000 m3/năm; phát triển cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha, bình quân trồng trên 400 ha/năm…
Giai đoạn 2026 - 2030 với 11 mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 11%/năm; trồng rừng tập trung 48.500 ha, bình quân trồng 9.700 ha/năm; duy trì diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất gỗ rừng trồng đạt bình quân 28 m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000 m3, bình quân khai thác trên 1.300.000 m3/năm...
Để thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: công tác tuyên truyền; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên; chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức quản lý, phát triển nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực đầu tư.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và đại biểu tại điểm cầu Tỉnh ủy.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Đề án của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh đề ra 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 11.348,7 tỷ đồng; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 15%; trên 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm…
Định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra 9 mục tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; có ít nhất 150 liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 huyện, đạt chuẩn huyện nông thôn mới...
Đồng chí nêu rõ các nhiệm vụ gồm định hướng sản xuất theo vùng, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu sản xuất theo từng lĩnh vực. Đồng chí nhấn mạnh, với 10 giải pháp cụ thể, đề án sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, xã hội cho địa phương.
8h10: Quán triệt các nghị quyết và đề án
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) và Đề án số 559/QĐ-UBND ngày 10/9/2021 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025.
Căn cứ vào quy hoạch chiến lược cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại, tạo bước đột phá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh gắn với phát triển vùng và các địa phương.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu chung và từng mục tiêu cụ thể về hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng chí nhấn mạnh, các mục tiêu được đề ra rất lớn, cần thiết, không được phép chậm trễ trong quá trình thực hiện, trong đó, nhiều mục tiêu cần phải khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2021, 2022.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng; đưa vào sử dụng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai; xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, cầu vượt sông, tuyến đường thủy; nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ trung tâm huyện đến các xã vào năm 2022.
Về đô thị động lực, tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 27% vào năm 2025 và đạt trên 50% vào năm 2045.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh phấn đấu đến năm 2023, 100% thôn, tổ dân phố có internet băng thông rộng; cung cấp dịch vụ 5G tại thành phố Tuyên Quang…
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đồng chí nêu rõ 6 giải pháp chủ yếu gồm: công tác quy hoạch, kế hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục nâng cao cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng KHCN và xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số; nâng cao cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
8h00: Khai mạc hội nghị
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, 1 đề án; BTV Tỉnh uỷ ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án. Ban cán sự đảng UBND đã xây dựng và ban hành 9 đề án về phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm.
Hội nghị được BTV Tỉnh ủy chuẩn bị và tổ chức bài bản, kỹ lưỡng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh ngày trong năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh; là việc làm cụ thể, thiết thực, giúp các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của nghị quyết, đề án.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí đề nghị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ để nghiên cứu, tiếp thu đầy dù những nội dung triển khai, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động, kịp thời cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lại các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.
Đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang dự tại điểm cầu Thành ủy Tuyên Quang.
Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Chiêm Hóa.
Điểm cầu HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
dự tại điểm cầu Lâm Bình.
Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì tại điểm cầu Công an tỉnh.
Đại biểu dự tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Điểm cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điểm cầu Huyện ủy Sơn Dương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối điểm cầu Tỉnh ủy đến điểm cầu HĐND tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, 18 sở, ban, ngành và các huyện ủy, thành ủy.
Gửi phản hồi
In bài viết