Đến thăm xưởng sản xuất gốm cổ Luy Lâu của ông, nơi có hàng chục người làm việc và học nghề, nếu không phải người có kiến thức lịch sử, am hiểu các giá trị truyền thống sẽ khó có thể thấy hết được vẻ đẹp cũng như giá trị của những sản phẩm gốm ở đây.
Với niềm đam mê sâu sắc với gốm cổ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã đi học hỏi các bậc tiền bối, trường lớp chuyên nghiệp và lặn lội khắp nơi tìm hiểu nguồn gốc cũng như những tinh túy từ nghề gốm của ông cha. Khi có vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử gốm cổ trong các triều đại phong kiến, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã linh hoạt vận dụng sáng tạo các ý tưởng của mình và cho ra đời nhiều sản phẩm giá trị. Trong đó, không thể không kể đến kiệt tác “Ngọc bình” cao 3,5m, nặng 2 tấn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội và được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.
Chia sẻ về chuyện học nghề, làm nghề, bảo tồn, phát huy giá trị các sản phẩm gốm cổ Luy Lâu, ông Nguyễn Đăng Vông cho biết: “Để có được một sản phẩm gốm Luy Lâu đẹp và chất lượng cần chọn được loại đất tốt làm nên men đẹp. Cùng với đó là sự tinh tế, cẩn trọng của người làm nghề và cuối cùng là chú ý đến nhiệt độ nung. Người giỏi nghề chỉ cần nhìn vào màu lửa là có thể biết được thời điểm gốm chín và loại đất nào có độ nung cao hay thấp. Trong đó phải kể đến đất Luy Lâu có nhiệt độ nung cao, thường là khoảng 1.200 độ C”.
Nói về thăng trầm khi quyết tâm làm “hồi sinh” gốm cổ Luy Lâu, nghệ nhân chia sẻ: “Có được sự thành công hôm nay, tôi đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, song chính sự đam mê gốm từ nhỏ, đã giúp tôi dành hết tâm sức không để dòng gốm cổ Luy Lâu bị chìm vào quên lãng”.
Không chỉ góp phần đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa dân tộc, các sản phẩm của ông còn được nhiều nhà sử học đánh giá là có sự tương đồng với một dòng gốm có màu xanh ngả bí của xã Thiệu Dương (tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Thấm thoắt hơn 30 năm gắn bó với gốm Luy Lâu, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông vẫn chưa nguôi trăn trở: “Làm thế nào có thể quảng bá, phát huy, bảo tồn và nhất là truyền được nghề cho thế hệ mai sau. Tôi ước mong có những con đường gốm Luy Lâu trong nội thành Hà Nội, những không gian văn hóa tại đường Láng Hòa Lạc, khu vực Hồ Gươm, công viên, bảo tàng, thu hút khách tham quan, để nhiều người biết đến giá trị phi vật thể của gốm cổ đất Việt lịch sử nghìn năm”.
Và với tình yêu gốm cổ của dân tộc Việt luôn cháy bỏng trong tim, từng ngày ông vẫn miệt mài “truyền lửa” cho hàng chục nghệ nhân lớp sau những giá trị Chân - Thiện - Mĩ trong từng sản phẩm gốm cổ mà ông lĩnh hội được...
Gửi phản hồi
In bài viết