Thôn luôn nằm trong tốp cuối của xã về công tác giảm nghèo. Nguyên nhân thì có nhiều, song nổi lên hai vấn đề cơ bản là tuyến đường vào thôn đi lại khó khăn và tâm lý “an phận thủ thường” trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn, một số hủ tục chưa bỏ được.
Ông Lý Văn Điệp, dân tộc Dao Quần trắng thôn Hòn Lau thoát nghèo nhờ vay vốn ngân hàng huyện để nuôi bò.
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Thắng Quân đã họp chuyên đề về công tác giảm nghèo trên địa bàn. Để đưa Hòn Lau đuổi kịp tốc độ phát triển kinh tế của các thôn khác trong tiến trình xây dựng nông thôn mới cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Xã phân công cho cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp xuống Hòn Lau nắm tình hình, tham mưu giúp lãnh đạo xã đưa ra những quyết sách kịp thời. Đầu tiên muốn “đầu tầu” kinh tế của Hòn Lau đi lên chính là phải kiện toàn lại chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn.
Người đứng mũi chịu sào ở Hòn Lau phải trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, kinh tế gia đình phải khá, có uy tín trong cộng đồng. Qua sàng lọc, cuối cùng anh Đặng Văn Minh, 38 tuổi, dân tộc Dao Quần trắng được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn; anh Trần Văn Thanh, 34 tuổi, dân tộc Dao Quần trắng được bầu làm trưởng thôn. Năm 2018, anh Trần Văn Thanh là đại diện trẻ nhất của tỉnh được dự Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu các tỉnh vùng Tây Bắc đã nói lên “quyết sách” chọn người của xã Thắng Quân.
Thôn Hòn Lau cách trung tâm xã 6 km với 91 hộ, 381 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao Quần trắng sống từ lâu đời. Đời sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp. Những năm trước người dân Hòn Lau đưa cây sắn vào trồng đại trà nên giờ đất khá bạc mầu. Rồi họ chuyển sang trồng chè, nhưng đất không thích hợp, kỹ năng chưa cao nên thất bại. Giờ đây cách đưa Hòn Lau đi lên bền vững vẫn là kết hợp mô hình kinh tế tổng hợp như trồng rừng sản xuất, nuôi trâu, bò, dê, lợn, gia cầm, cá, ong, trồng cây bưởi ăn quả, làm thêm nghề phụ làm đậu phụ. Nhiều buổi họp thôn, cán bộ thôn phân tích tiềm năng, thế mạnh, hướng đi, nêu nguyên nhân nghèo chung của các hộ để có giải pháp giúp đỡ. Ở Hòn Lau đất đai không thiếu, nhân lực có, nguyên nhân nghèo chủ yếu do chưa có kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn sản xuất.
Xã đã cho cán bộ tăng cường về Hòn Lau để tập huấn kinh nghiệp sản xuất, đưa một số hộ đi tham quan cách trồng bưởi tại xã Xuân Vân, nuôi cá ở xã Hoàng Khai, nuôi lợn ở xã Trung Môn (Yên Sơn). Nhiều hộ có nhu cầu vay vốn được xã tạo điều kiện thế chấp, tín chấp thông qua các tổ chức hội vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Hơn 40 hộ người Dao Quần trắng ở Hòn Lau được vay vốn sản xuất, dư nợ lên đến hàng tỷ đồng.
Cùng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thắng Quân phụ trách địa bàn thôn xuống tham quan mô hình kinh tế thoát nghèo của hộ ông Lý Văn Điệp, dân tộc Dao Quần trắng, thôn Hòn Lau. Ông Điệp khẳng định, nhờ có nguồn vay 5 triệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn gia đình ông đã mua được một con bê nhỏ. Từ một con bê nhỏ đã sinh sản ra cả một đàn bò 6 con. Có tiền bán bò ông đã phát triển được đàn dê 30 con và 4 con lợn nái, song song phát triển rừng sản xuất, cây bưởi ăn quả. Giờ gia đình thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn. Ông Điệp đã xây được nhà khang trang, sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại.
Do phát huy đúng hướng, năm 2019 thôn Hòn Lau còn 8 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo. Rà soát đầu năm 2021, Hòn Lau giảm chỉ còn 4 hộ nghèo chiếm 4,5%, 7 hộ cận nghèo chiếm 7,9%. Đây thực sự là con số biết nói trong quá trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương này. Từ vài nhà kinh tế đi lên trông thấy, dần dần các hộ cũng đua nhau làm kinh tế, làm cho bộ mặt thôn Hòn Lau thay da đổi thịt từng ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết