Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường: Cần chủ động, quyết liệt

- Thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường từ ngày 1-4 đến ngày 1-5-2021, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã và đang vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện hiệu quả nhằm bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Người dân thôn Hợp Hòa, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã chủ động vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, khơi thông cống rãnh, quét dọn đường ngõ xóm. Anh Lưu Đức Phong, người dân thôn Hợp Hòa cho biết, gia đình có 10 con lợn thương phẩm. Để phòng bệnh cho đàn lợn, anh Phong đã thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Anh thường xuyên xử lý môi trường chuồng trại như vệ sinh khu chăn nuôi, vùng lân cận, rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng, khơi thông cống rãnh, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn lợn, không để mầm bệnh có nơi trú ngụ gây hại đến đàn vật nuôi.

Đội phun thuốc của xã Kim Quan (Yên Sơn) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại thôn Kim Thu Ngà.

Ông Lê Đại Thắng, Trưởng thôn Hợp Hòa cho biết, đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng lần này, người dân rất chủ động trong vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tích cực phối hợp với cán bộ thú y để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng hiệu quả. Cùng với đó, một số hộ dân chủ động mua thêm thuốc khử trùng, vôi bột để phun, rắc trong thời gian tới.

Xã Kim Quan (Yên Sơn) đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm nâng cao thu nhập, giữ vững tiêu chí nông thôn mới. Hiện tổng đàn gia súc của xã có hơn 2.300 con, đàn gia cầm hơn 36.400 con và 12 gia trại chăn nuôi trâu, lợn, gà. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, xã đã phân bổ 24 lít hóa chất khử trùng, 1.000 liều thuốc vắc xin tiêm phòng gia súc, gia cầm cho 7 thôn. Chỉ trong 3 ngày, xã đã hoàn thành phun khử trùng và tiêm phòng cho 100% các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã. Thông qua hệ thống loa phát thanh, UBND xã cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, mua thêm vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi, hố phân, để tiêu diệt các mầm bệnh. Đối với các chợ bán thịt gia súc, gia cầm sống, xã chỉ đạo các hộ kinh doanh buôn bán chủ động phun thuốc sát trùng trước và sau mỗi buổi chợ.

Ông Đinh Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi tại 8/28 xã. Xác định được tầm quan trọng của công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, đơn vị phối hợp với các địa phương thành lập các đội phun thuốc sát trùng tại khu vực chăn nuôi hộ gia đình, khu nhốt giữ động vật, chợ buôn bán động vật sống, đường làng, ngõ xóm, việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch; tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định; tăng cường kiểm tra các chợ buôn bán, điểm tập kết gia súc, gia cầm, yêu cầu các chủ hộ kinh doanh tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ngày buôn bán.

Những ngày này, thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, mưa ẩm xen kẽ làm gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn. Vì vậy, thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn toàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, người dân cần chủ động, tích cực trong vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục