Anh Hằng nổi tiếng xã Thượng Giáp với câu chuyện học giỏi, vươn lên giữa nghịch cảnh để học, năm 2005 anh tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, về công tác tại UBND xã, anh càng thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của người dân nơi đây. Anh tâm niệm: muốn cho nhân dân thoát nghèo ngoài việc tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán thì cán bộ phải làm trước, thấy hiệu quả người dân sẽ làm theo. Với suy nghĩ đó, năm 2015, anh tích góp được số vốn nhất định đầu tư 15 con bò nuôi sinh sản, anh chọn vị trí đồng cỏ giáp ranh xã Yên Thổ, Bảo Lâm (Cao Bằng), nơi đây đất đai phì nhiêu, cánh đồng cỏ rộng lớn, tuy nhiên người Mông có thói quen phun thuốc diệt cỏ tại các thửa đất canh tác, nên đàn bò đều nhiễm độc, chỉ sau 1 năm đã hao hụt quá nửa.
Không từ bỏ, năm 2016, trong 1 lần đi tham quan mô hình trồng cây măng bát độ tại Yên Sơn, với kiến thức trồng trọt sẵn có, anh chọn những chỗ đất trống, không bị cớm bởi cây rừng để trồng. Năm 2019 anh được thu những lứa măng đầu tiên, đến nay, mỗi năm anh xuất ra thị trường trên 1 tấn măng khô thương phẩm, thu nhập gần 100 triệu đồng. Có được thành công, anh chủ động bàn cùng các trưởng thôn cho nhân dân cùng trồng, đến nay diện tích cây măng bát độ của xã đã có trên 10 ha, nhiều người dân đã thoát nghèo nhờ cây trồng này.
Đầu năm nay, trong 1 lần được nghe về hiệu quả của cây gai xanh trong công nghiệp may mặc, được Tập đoàn An Phước Group bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về cây giống và kinh nghiệm trồng, anh Hằng thuê và tự cải tạo 1,7 ha đất kém hiệu quả của nhân dân trong vùng trồng cây gai xanh. Tuy mới trồng từ tháng 4 năm nay, nhưng cây gai đều sinh trưởng và phát triển tốt, được cán bộ phía công ty đánh giá cao. Anh Hằng chia sẻ: là cán bộ, gắn bó với mảnh đất Thượng Giáp từ ngày còn nhỏ, anh mong muốn nhân dân sẽ có đời sống khấm khá hơn, do vậy, anh luôn chọn đi đầu trong việc triển khai các mô hình, khi có hiệu quả sẽ chỉ bảo nhân dân làm theo và cùng nhau phát triển.
Đồng chí Nguyễn Xuân Huế, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: anh Nguyễn Văn Hằng có nhiều công giúp nhân dân Thượng Giáp chuyển đổi cây trồng, anh còn chủ động tham gia hướng dẫn nhân dân phát triển các loài cây mới như bí thơm, cùng nhân dân chăm sóc cá chép ruộng làm sản phẩm đặc sản... và được các đầu mối tiêu thụ đánh giá cao.
Với những thành tích đó, ngoài những tấm Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, của huyện nhiều năm liền, thì vinh dự nhất với anh Hằng đó là được nhân dân Thượng Giáp tin yêu, quý trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết