Ông Ma Đức Hiển, thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa).
Từ khi lên 6 tuổi, tiếng đàn Tính đã có một sức hút mãnh liệt đối với ông. Ông theo chân người lớn trong nhà đi nghe hát Then, cảm xúc khi có một chiếc đàn Tính đầu tiên của riêng mình đến bây giờ ông vẫn còn nhớ mãi.
Theo ông Hiền, để có thể học chơi đàn Tính, điều quan trọng nhất cần phải có là sự đam mê sau đó mới đến năng khiếu. Ông Hiền chia sẻ: “Trong quá trình dạy đàn Tính, điều tôi mong muốn nhất là có thể truyền được cái lửa, đam mê của mình cho học viên. Từ đó, học viên có thể thấy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình đáng quý, đáng tự hào và cần được lưu giữ, phát triển”.
Hơn 10 năm truyền dạy hát Then, đàn Tính, ông Hiền đã trực tiếp giảng dạy trên 30 lớp với gần 800 học viên. Mỗi lớp học ông đều chú trọng chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, phương pháp dạy để học viên có thể tiếp thu kiến thức nhanh nhất. Đối với người học, việc đầu tiên ông cho làm quen với xướng âm (nhạc lý cơ bản) của nhạc Then. Sau đó tiếp cận các nốt nhạc trên cây đàn, khi thuần thục mới có thể đi vào bản nhạc của từng bài hát.
Chị Lô Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa cho biết, ông Hiền là một trong những người được trung tâm thường xuyên mời dạy tại các lớp hát Then, đàn Tính do trung tâm tổ chức. Với sự say mê, tận tâm truyền tải những giá trị văn hóa của dân tộc, những buổi dạy của ông Hiền đã nhận được sự yêu thích của các học viên.
Ông Hiền cho biết, hát được Then không khó, đánh đàn Tính cũng có thể học nhưng để hát Then hay, truyền cảm cũng như đánh đàn Tính được thuần thục thì cần sự kiên nhẫn, say mê. Xã hội ngày càng phát triển, mọi người bây giờ tiếp xúc với nhiều thú vui giải trí, đam mê với âm nhạc hiện đại, văn hóa từ nhiều nơi khác nhau nên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như hát Then đang dần bị mai một. Vì vậy, ông luôn coi việc bảo tồn, truyền dạy, phát triển văn hóa dân tộc là trách nhiệm của bản thân.
Gửi phản hồi
In bài viết