Giữ nguồn văn hóa làng Dao
Tham gia lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Dao do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa tổ chức theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, anh Bàn Văn Nam, thôn Phiềng Ly, Chủ nhiệm CLB văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà (Chiêm Hóa) say sưa với những vốn liếng được anh sưu tầm ghi chép bao năm nay với mong muốn thế hệ mai sau biết và lưu giữ những giá trị của cha ông.
Anh Nam tâm sự: Từ nhỏ, anh đã được bố truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Dao có những nét văn hóa rất đặc sắc nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Số người Dao trên địa bàn xã biết hát Páo dung, biết thêu, biết chữ Nôm - Dao... ngày càng ít.
Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu.
Năm 2020, chàng trai trẻ đã mạnh dạn viết đơn lên xã xin thành lập CLB văn hóa truyền thống người Dao xã Trung Hà. CLB hiện có 18 thành viên, với độ tuổi từ 13 - 66 tuổi. Đây đều là những người tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn xã, mỗi người đều có hiểu biết nhất định về văn hóa dân tộc Dao: Người biết chữ Nôm - Dao, người biết hát Páo dung, biết múa làn điệu dân tộc, người biết thêu thùa, chấm sáp ong lên vải để tạo hoa văn...
CLB thường tổ chức sinh hoạt cố định 1 tuần/lần hoặc những lúc nông nhàn khi đã xong việc đồng áng, mọi người lại hẹn nhau để cùng học hát, học múa, học chữ, học thêu… Người biết nhiều sẽ hướng dẫn, chia sẻ cho người biết ít hơn. Sau đó, mỗi thành viên trong CLB sẽ tiếp tục truyền dạy lại cho người thân, con, cháu mình. Bên cạnh đó, CLB còn thường xuyên mời các đội văn nghệ, các CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở các huyện Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang)… về xã để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Em Bàn Ngọc Vũ (13 tuổi), thôn Phiềng Ly chia sẻ: tham gia vào CLB, em được giao lưu, chia sẻ, học hát các làn điện Páo dung. Ngoài ra, em còn được ông và chú dạy chữ Nôm - Dao, dạy các đạo lý làm người mà tổ tiên để lại. Được học, hiểu rõ hơn về nét đẹp trong văn hóa của dân tộc. Em rất tự hào và sẽ cố gắng học để bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một.
Vang mãi câu hát Soọng cô
Tóc bạc trắng nhưng Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Cháy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Sơn Nam (Sơn Dương) vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật dân gian độc đáo của cha ông cho thế hệ trẻ. Với ông, tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng cô là niềm tự hào vô bờ bến và cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Ông Thái chia sẻ, từ thuở nhỏ, những lời ru của bà, của mẹ bằng làn điệu dân ca của dân tộc đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Năm 15 tuổi, ông theo các anh, chị trong làng đến các thôn, bản hát giao duyên.
Anh Bàn Văn Nam (đứng thứ 3 từ phải qua trái) giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Dao.
Sau này, khi thấy người biết nói tiếng dân tộc và hát Soọng cô thưa dần, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng ông đã dành thời gian sưu tầm, ghi chép lại các bài hát. Đến nay, ông đã sưu tầm được trên 200 bài hát Soọng cô, tất cả đều được đánh máy cẩn thận, là tài liệu quý để ông dạy lại cho các con, các cháu. Năm 2000, ông được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham gia hoàn thành cuốn sách Dân ca Sán Dìu, Cao Lan, Tày. Ngoài ra, ông đã tự soạn giáo án dạy tiếng nói và dạy hát cho các cháu trong gia đình, từ đơn giản đến phức tạp để các cháu có thể tiếp thu được nhanh nhất.
Dần dần, thấy việc dạy hiệu quả, ông đã xin ý kiến UBND xã mở lớp dạy tiếng nói và hát Soọng cô cho các cháu thiếu nhi trong xã. Năm 2011, ông đứng ra thành lập CLB hát Soọng cô của xã và được bầu làm Chủ nhiệm CLB. CLB với hơn 30 thành viên, hoạt động chủ yếu của CLB là dạy tiếng nói, dạy múa, hát Soọng cô, dệt thổ cẩm trên trang phục.
Dẫn chúng tôi đến thăm CLB hát Soọng cô, ông Thái tự hào nói: Từ ngày thành lập CLB, thôn xóm nơi đây thêm rộn ràng, náo nức hơn. Việc học tiếng nói và hát Soọng cô là cách làm hiệu quả để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một; nuôi dưỡng trong thế hệ trẻ tình yêu với những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Từ đó, các em sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hàng ngày.
Năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng Nghệ nhân dân gian Hoàng Lục Thái vẫn say sưa, tâm huyết truyền dạy hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. Với ông, đó luôn là niềm vui, là động lực để ông cùng các thành viên trong CLB tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng, để những câu hát Soọng cô sẽ còn vang mãi.
Thời gian qua, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa, tổ chức truyền dạy, nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Trong đó, có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 11 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Toàn tỉnh có khoảng gần 300 CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, Mông, Tày, Sán Dìu...
Không chỉ là đam mê, tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, thành viên CLB còn mang sứ mệnh “truyền lửa” thắp sáng lòng tự hào dân tộc, tình yêu văn hóa dân tộc, quê hương đất nước mình. Từ những lớp truyền dạy bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần ở các thôn bản, cũng như phát huy phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết