Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang

- Sau 1 năm phát động, phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý thức ưu tiên sử dụng nông sản của tỉnh, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao đến 4 sao. Nhiều sản phẩm nông sản được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: cam, chè, bưởi, na... Trước những khó khăn về khâu vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt với những nông sản có sản lượng lớn như cam sành Hàm Yên trên 95.000 tấn, bưởi trên 30.000 tấn, na hơn 2.500 tấn, việc phát động phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” có ý nghĩa thiết thực, nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân và duy trì sản xuất. Để thực hiện phong trào này thì vai trò của các tổ chức kinh tế, các đơn vị, doanh nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng.

Khách hàng chọn mua các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang.

Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch Tâm Hương trên Đại lộ Tân Trào, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tấp nập khách đến mua hàng. Anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Tâm Hương cho biết, hiện HTX có 3 cửa hàng chuyên bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh, các sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng biết về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện cửa hàng đang giới thiệu và bày bán hơn 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh và các sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương, trong đó có các sản phẩm như: bưởi Soi Hà, na Lực Hành, cam Hàm Yên, bột sắn dây, bột nghệ, dầu lạc, mắm cá, cá đặc sản... của các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn các huyện thành phố trong tỉnh. Mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 2 tấn nông sản, sản phẩm các loại...

Thay vì ra chợ mua thực phẩm cho mỗi bữa ăn như trước, giờ đây chị Phạm Thu Hường, tổ 12, phương Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đã lựa chọn “đi chợ” tại cửa hàng bán các sản phẩm OCOP. Chị Hường cho biết “Cũng như bao người nội chợ khác, tôi luôn muốn tìm mua các sản phẩm sạch dùng trong gia đình. Tôi tìm đến các cửa hàng bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tại đây các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm”. Theo chị Hường, các sản phẩm nông sản của tỉnh đa dạng mẫu mã, chủng loại, từ các sản phẩm thực phẩm như rau, củ, quả, còn có các sản phẩm tươi sống như thịt lợn, thị gà, cá, thịt trâu... đến các sản phẩm khô, đóng gói như bún, miến, bột sắn dây, bột nghệ, măng khô... Đây đều là các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh có gắn sao, đảm bảo chất lượng.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Ánh, tổ dân phố Bắc Trung (Sơn Dương) lâu nay gia đình vẫn sử dụng một số loại sản phẩm gạo, miến gạo, bột sắn... truyền thống. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, hiện gia đình chị đã chuyển sang sử dụng sản phẩm gạo chất lượng cao Kim Phú do HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú sản xuất, một số sản phẩm rau, quả an toàn của Công ty TNHH Sơn Dương Green Farm; bột sắn dây của HTX Sản xuất tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương và sản phẩm trứng gà, vịt của các cơ sở uy tín khác...

Sản phẩm nông sản của các địa phương trong tỉnh được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị tại thành phố Tuyên Quang.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ bày bán tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm OCOP mà các sản phẩm nông sản còn được bày bán tại các chợ nông thôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiều nông sản của tỉnh đã đưa lên gian hàng trực tuyến Posmart.vn và có trên 150 tài khoản tham gia sàn Posmart.vn; các chuỗi cửa hàng tại Bưu điện hiện cũng bày bán các sản phẩm nông sản của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 20 cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn và cơ sở bày bán sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phú, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa); cửa hàng của Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn); Gold Mark (Sơn Dương); Nông sản xanh Sáng Nhung, cửa hàng thực phẩm sạch Thanh Trà (TP Tuyên Quang)...

Bà Phạm Thị Hoa, chủ sạp bán hoa quả khu vực chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) cho biết, so với những loại hoa quả được nhập từ các tỉnh về thì những loại hoa quả của địa phương như: na Lực Hành, bưởi Xuân Vân, bưởi Soi Hà, hồng Chiêm Hóa, cam Hàm Yên... luôn được khách hàng chọn mua. Mức tiêu thụ các loại hoa quả từ các tỉnh khác chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm của tỉnh.

Từ các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản địa phương luôn được người tiêu dùng trong tỉnh tích cực đón nhận. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang đẩy mạnh việc xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP với mục tiêu ít nhất mỗi huyện phải có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP. Đồng thời, thông qua hoạt động bán hàng, người tiêu dùng có thể tìm kiếm, nắm bắt được những địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và lan tỏa việc sử dụng, tiêu dùng sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh.

Để phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”  được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm đưa những sản phẩm nông sản tới tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục