Hỗ trợ cựu chiến binh phát triển kinh tế

- Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh thực hiện tốt công tác ỦY thác, tín chấp vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên CCB có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Được sự dẫn đường của cán bộ Hội CCB xã Linh Phú (Chiêm Hóa), chúng tôi vào Bản Cấy thăm trang trại VAR của CCB Hà Ngọc Thuyền ở thôn Pác Hóp. Đây là trang trại duy nhất trên địa bàn xã. Từ xa nhìn về phía trang trại là vườn cây ăn quả đủ loại, gồm bưởi, cam, quýt, mít xum xuê, trĩu quả. Dưới thung lũng, 2 ao cá rộng trên 2.000 m2 với từng đàn cá đua nhau bơi lội. Ngược lên cao nữa là những đồi xoan, đồi mỡ ngút ngàn. Ông Thuyền bảo, để có được trang trại xanh tươi tốt như này, ông và gia đình đã mất rất nhiều công sức, tiền của. Ông còn nhớ, hồi mới làm trang trại, trồng cam đương xanh tốt vậy mà chỉ thu được 1, 2 vụ đầu, bắt đầu vàng lá, chết hàng loạt. May mắn thời gian đó, ông đã được Hội CCB hỗ trợ ủy thác vay vốn ngân hàng, gia đình có vốn tiếp tục chuyển đổi cây trồng. Đến giờ, sau 10 năm gắn bó với trang trại, gia đình ông đã trả hết nợ, còn có tiền mở rộng trang trại, xây dựng nhà cửa khang trang.

Từ nguồn vốn vay tín dụng, CCB Hà Ngọc Thuyền (đầu tiên bên phải) đã phát triển trang trại VAR.

CCB Bàn Văn Út, Chủ tịch Hội CCB xã Linh Phú cho biết, ngoài CCB Hà Ngọc Thuyền, nguồn vốn tín dụng Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hội viên CCB trong xã có vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế. Đơn cử như, CCB Hà Tiến Khâm, thôn Pác Cháng với mô hình nuôi dúi; CCB Đồng Minh Liên, thôn Pác Cháng chăn nuôi và kinh doanh hàng tạp hóa; CCB Hứa Văn Đức, thôn Nà Luông với mô hình trồng rừng, chăn nuôi… 

Gia đình CCB Phùng Văn Lại, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) cũng khá lên nhờ nguồn vốn vay ngân hàng. CCB Phùng Văn Lại cho biết, nhận thấy tiềm năng đất đai rộng, năm 2019, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư đào ao thả cá. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng kỹ thuật chăm sóc trên sách báo, mạng Internet, anh đầu tư mua các loại giống như: cá chép, trắm, trôi để thả cho trên 1.000 m2 diện tích ao. Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi thêm 10 con lợn đen thương phẩm với hình thức nuôi gối đàn; trên 100 con gà; 80 cây bưởi Diễn. Sau hơn 3 năm cần cù chịu khó hiện nay giống bưởi Diễn đang phát triển tốt, đàn cá cũng cho thu hoạch, đàn lợn xuất chuồng mỗi năm 2 lứa. Ước tính từ mô hình kinh tế này cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Để hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thời gian qua, Hội CCB xã Năng Khả đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng đến 100% hội viên. Đồng thời hướng dẫn, giám sát việc bình xét cho vay đúng đối tượng. Đến nay, Hội CCB xã duy trì 5 tổ tiết kiệm với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng cho trên 200 hội viên vay. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, Hội CCB xã thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn. Ngoài ra, hàng tháng, hàng quý, Hội CCB xã còn tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do đó, nguồn vốn vay của hội viên CCB đều trả lãi, gốc đúng kỳ hạn. 

Cán bộ, hội viên thăm vườn cam của CCB Nguyễn Văn Đức, thôn Khánh Xuân, xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Đến thời điểm này, tổng dư nợ nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng CSXH của Hội CCB tỉnh là trên 800 tỷ đồng cho trên 17.680 hội viên vay (tăng trên 200 tỷ đồng vốn vay so với năm 2017). 

Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về vốn vay, phát triển sản xuất, giảm nghèo cho hội viên. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích. Qua đó, thành viên vay vốn đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, trả lãi, gốc đúng kỳ hạn. Nguồn vốn tín dụng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình CCB là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Trong số đó, có rất nhiều CCB đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ, các tổ hợp tác, doanh nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Hiện, toàn tỉnh có 5.239 mô hình sản xuất, kinh doanh của CCB, trong đó có gần 3.000 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các mô hình kinh tế đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, các cấp Hội đã giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo từ 11,58% xuống còn 2,79%; hộ CCB khá, giàu hiện nay là 65,24% (tăng 9,04% so với năm 2017).

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp các hội viên CCB vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình mà còn thúc đẩy phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” lan tỏa mạnh mẽ; khơi dậy sự đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội. 

 Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục