Thiếu nguồn lực chất lượng cao
Năm 2017, Hợp tác xã Minh Phát thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) tiên phong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Minh Phát đã phải chấp nhận quay đầu. Lý do hợp tác xã không thể bám trụ được công nghệ cao là không có lao động có trình độ để hỗ trợ về kỹ thuật trong cả sản xuất và điều hành hệ thống máy móc, thiết bị.
Anh Nông Quốc Doanh, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, hợp tác xã đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng nhà màng với diện tích 1.000 m2, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng; áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; luân canh các loại cây trồng từ dưa bao tử, dưa lưới Nhật, dưa Malaysia để đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên chỉ những vụ dưa đầu mang lại hiệu quả, còn lại hạch toán kinh tế thu không đủ bù chi. Anh Doanh thẳng thắn thừa nhận, ngoài các yếu tố thị trường, thời tiết thì không thuê được lao động có trình độ đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu sản xuất của hợp tác xã. Và những gì hợp tác xã từng làm cũng chỉ là “học mót” áp dụng vào sản xuất, chứ chưa thực sự làm chủ được công nghệ.
Trường Đại học Tân Trào thực hiện đào tạo chuyên ngành kỹ sư nông, lâm nghiệp.
May mắn hơn, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) thuê được kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ kỹ thuật phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng bước đầu đem lại hiệu quả.
Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác cho biết, Hợp tác xã đã thuê kỹ sư tốt nghiệp Đại học Nông, lâm nghiệp Thái Nguyên để hỗ trợ hợp tác xã từ việc thiết kế xây dựng 2.200 m2 nhà màng; lắp đặt hệ thống tưới ẩm công nghệ Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh; lựa chọn cây trồng phù hợp. Thông qua các thiết bị điều khiển thông minh, không chỉ giúp cây dưa phát triển nhanh, chất lượng và độ ngọt tăng 10 - 15% so với trước mà điểm tối ưu là khâu vận hành rất dễ dàng và hiện đại, không phụ thuộc yếu tố thời tiết. Anh Cao Văn Phúc bộc bạch, dù thuê được kỹ sư nhưng hợp tác xã cũng chỉ hợp đồng được 1 năm làm việc trực tiếp tại vườn, còn lại là nhận sự hỗ trợ từ xa, lý do bên cạnh kinh phí chi trả, kỹ sư còn quá nhiều đơn đặt hàng cần trợ giúp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế lực lượng lao động khu vực nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống; ngại tiếp thu khoa học kỹ thuật mới. Trong khi nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật phần nhiều di chuyển ra các thành phố lớn, các khu công nghiệp tìm việc làm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có sức khỏe, có khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp cao hiện nay.
Giải bài toán thiếu nhân lực chất lượng
Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đặt ra mục tiêu: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao, nền tảng số phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn nông sản càng cao của thị trường trong nước, thế giới... Tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; nâng cao năng lực cho nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các chủ thể liên kết; tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Đồng thời áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, có sự tham gia của người dân; đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho các HTX, trang trại, nông dân ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường...
Hiện tại trường Đại học Tân Trào cũng đã và đang thực hiện đào tạo kỹ sư chuyên ngành nông, lâm nghiệp.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ mới bồi dưỡng kiến thức về thị trường, thương mại nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện Chương trình OCOP... cho các HTX, trang trại, nông dân.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hàng năm đều thực hiện các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất công nghệ cao cho 100 học viên là chủ các trang trại. Đồng thời với nguồn vốn của Koica (tổ chức phi Chính phủ Hàn Quốc), Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện tư vấn, thiết kế 3 nhà màng với diện tích trên 1.000 m2, đồng thời hỗ trợ tổ chức sản xuất cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu. Bà Kim chia sẻ, hiện tại, chủ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm hỗ trợ đã dần làm chủ được kỹ thuật, chủ động trong sản xuất, có sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết mời gọi sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông nghiệp ra trường về làm việc. Trên thực tế một số nhà vườn đã triển khai mang lại lợi ích cho đôi bên. Anh Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty GreenFarm xã Kháng Nhật (Sơn Dương) khẳng định, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bài bản, công ty đã ký hợp đồng với 1 kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình canh tác nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Hy vọng những giải pháp đã và đang được thực hiện sẽ từng bước giải quyết được tình trạng thiếu lao động chất lượng trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết