Đó là những người sính thành tích, xảo biện, tạo dựng thành tích ảo. Đó là những người thường xuyên thu mình, gió chiều nào che chiều nấy, sợ trách nhiệm. Khi thực tiễn đòi hỏi phải chủ động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng lại thoái thác, đùn đẩy cho người khác. Hoặc khi cơ hội đến thì sợ trách nhiệm nên “vo tròn” bản thân để an toàn.
Những chuyện như lô hàng sữa do kiều bào Australia viện trợ bị “kẹt” cả tháng trời mới được thông quan khiến đại biểu Quốc hội phải nêu trong phiên họp của Quốc hội vừa qua và báo chí, truyền thông dậy sóng; như chuyện hàng tấn rau củ quả ủng hộ vùng dịch bị thối, lương thực, thực phẩm không có nơi bảo quản, bị hư hỏng… chính là hậu quả của cách làm việc cầu an như thế. Giải thích về sự chậm trễ, bất cập ấy, người ta thường đổ lỗi do cơ chế, quy trình... mà quên cái gốc của vấn đề là sự tắc trách, không dám quyết, không dám làm vì sợ trách nhiệm...
Ấy thế nhưng, lại dễ thấy họ hay đứng gần lãnh đạo ở các kỳ cuộc, đứng hàng đầu trên các sân khấu để dễ lọt vào ống kính quay phim, chụp ảnh. Vì họ chủ tâm “làm màu” bản thân để chứng tỏ mình được việc.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ tình trạng này là cá nhân chủ nghĩa, là những mầm mống suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm mới đây cũng đã chỉ rõ hiện tượng này trong Điều 11: “Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ…”. Đây cũng là căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Kỷ luật trong Đảng, hành lang pháp lý để xử lý những cán bộ vi phạm đã được Đảng ta hoàn thiện bằng những quy định rất cụ thể. Đó chính là những căn cứ, là giải pháp để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các biểu hiện suy thoái của những cán bộ, công chức ưa “làm màu”.
Gửi phản hồi
In bài viết