Lễ mừng cơm mới của người Thái huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: HẢI YẾN)
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng) có tổng diện tích 1.544ha, trong đó 605ha đất và 939ha đất có mặt nước. Nhiều hạng mục đã được Nhà nước đầu tư xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành nhưng hiện vẫn đang vướng mắc về cơ chế, chính sách đã cản trở nguồn lực cũng như chưa tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư các khu chức năng của Làng một cách đồng bộ, ở cả khu vực đầu tư công và khu vực đầu tư tư nhân.
Chính thức khai trương năm 2010, sau gần 15 năm hoạt động, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Những sự kiện quy mô như Tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa, Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam… tổ chức hằng năm không chỉ thu hút sự tham gia đông đảo của du khách mà còn là dịp củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng cho biết, thời gian qua, mặc dù Ban Quản lý Làng đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng đến nay chưa có dự án đầu tư nào được triển khai.
Về chủ quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Làng gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg ngày 15/7/2014. Bên cạnh đó, đối với cơ chế hiện nay, trong khu vực đầu tư công còn nhiều hạn chế.
Quy hoạch chung của Làng gồm bảy khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí; khu các làng dân tộc Việt Nam; khu di sản văn hóa thế giới; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu công viên bến thuyền; khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; khu quản lý điều hành văn phòng, trong đó khu các làng dân tộc Việt Nam được coi là linh hồn, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của dự án.
Được Nhà nước cấp vốn đầu tư và chú trọng phát triển kể từ khi thành lập đến nay, khu các làng dân tộc Việt Nam trong Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã vận hành, khai thác cục bộ, đón khách du lịch đến tham quan. Từ năm 2015, hoạt động thường xuyên của đồng bào tại khu các làng dân tộc Việt Nam dần dần đưa Làng trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Còn đối với khu vực đầu tư tư nhân, với tư cách là đơn vị duy nhất hiện nay được Ban Quản lý Làng chấp thuận đầu tư, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch-văn hóa-nghỉ dưỡng Đồng Mô Đặng Ngọc Khánh cho biết: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend được thực hiện tại khu dịch vụ du lịch tổng hợp theo Quyết định số 59/QĐ-LVHDL năm 2018, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý nên trên thực tế, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cho đến nay dự án chưa thể triển khai.
Nằm ở vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện, trong khu vực nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng thời gian qua, việc đầu tư vào Làng khó khăn và không khả thi. Về mặt quy hoạch, theo đánh giá của ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đồ án quy hoạch kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), dự án Làng là khu vực có quy hoạch cụ thể và ổn định nhất ở Hà Nội hiện nay.
Theo hiện trạng thực tế, dự án Làng đã quy hoạch xong, hoàn thành giải phóng mặt bằng, xác định các phân khu chức năng rõ ràng. Đây là cơ sở thuận lợi và cơ hội để các doanh nghiệp bắt tay nghiên cứu đầu tư.
Có thể thấy, cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút vốn đầu tư vào Làng thật sự là mối quan tâm, trăn trở của các doanh nghiệp hiện nay. Vướng mắc lớn nhất nằm ở thẩm quyền của Ban Quản lý Làng chưa được quy định rõ ràng, cùng sự phối hợp giữa ban quản lý với các cơ quan, ban, ngành chưa hiệu quả.
Trong các khu chức năng của Làng, có thể thấy khu công viên bến thuyền rất tiềm năng và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đồng hành từ khi khởi công xây dựng Làng vào năm 1997, ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn đóng tàu Alumax Amsterdam chia sẻ: 27 năm theo dõi sự phát triển của Làng, với kinh nghiệm sống ở nước ngoài 30 năm và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du thuyền, tôi thấy tiềm năng của Đồng Mô rất lớn, chỉ cần có cơ chế, chính sách tốt.
Mong muốn được đầu tư câu lạc bộ du thuyền, mô hình vui chơi thể thao dưới nước như thuyền buồm, kayak, du thuyền, đào tạo vận động viên thi đấu trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ trong thời gian tới, Ban Quản lý Làng sớm có chương trình, dự án cụ thể để nhà đầu tư có thể tiến hành xây dựng bến tàu thuyền, đưa một số loại hình tàu thuyền như du thuyền chạy bằng điện, không phát ra tiếng ồn, bảo vệ môi trường và cảnh quan vào khai thác.
Cùng thể hiện sự quan tâm tới vị trí khu công viên bến thuyền, ông Kiều Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Kvinland đề nghị Ban Quản lý Làng xúc tiến các quy trình, ban hành các quy chế về đầu tư đồng thời quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của Ban quản lý Làng để sớm có thể đầu tư vào dự án.
Hướng tới một thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại
Có thể thấy, cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút vốn đầu tư vào Làng thật sự là mối quan tâm, trăn trở của các doanh nghiệp hiện nay. Vướng mắc lớn nhất nằm ở thẩm quyền của Ban Quản lý Làng chưa được quy định rõ ràng, cùng sự phối hợp giữa ban quản lý với các cơ quan, ban, ngành chưa hiệu quả.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (sửa đổi), trong đó, xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.
Nhấn mạnh về khung pháp lý cao nhất là Luật PPP (sửa đổi), luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Davilaw, đơn vị Ban Quản lý Làng tham vấn các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư cho rằng, các nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án đầu tư vào Làng theo Luật PPP (sửa đổi).
Hướng đi này đã mở rộng cánh cửa, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch không còn bị hạn chế bởi danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP. Đây là điểm thuận lợi về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển, xây dựng Làng.
Thời gian tới, khi Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn trình tự thủ tục đầu tư, cùng với quy hoạch chung của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có, các nhà đầu tư có thể lựa chọn cách thức đầu tư và đề xuất dự án. Các nút thắt về cơ chế, chính sách dần được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, có định hướng đầu tư vào các khu chức năng của Làng, đồng thời tạo đà thúc đẩy các dự án đầu tư vào Làng sớm được triển khai.
Trong tương lai gần, đầu tư xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng sẽ phát huy hiệu quả và tiềm năng của Làng theo mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm cỡ quốc gia, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa của nhân dân cũng như thu hút du khách quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết