Nguyên khí quốc gia và cốt cách kẻ sĩ

Từ xa xưa, giới trí thức, những người học cao hiểu rộng, có chí khí được nhân dân vinh danh là kẻ sĩ. Danh xưng kẻ sĩ, ngoài ý nghĩa đề cao đạo học và nhân tài, còn là sự gửi gắm, hy vọng, đặt ra yêu cầu cao về nhân cách, cốt cách người quân tử, dù cạm bẫy, cám dỗ thế nào cũng phải luôn giữ lòng ngay thẳng, tôn trọng, đấu tranh bảo vệ lẽ phải.

Lịch sử dân tộc qua các thời kỳ đã chứng minh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Sự tồn vong của chế độ; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vai trò của tầng lớp tinh hoa trong đời sống xã hội. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) viết: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt/Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên...” (Tước có 5 bậc, sĩ được dự vào bậc nhất/ Dân có 4 loại, sĩ đứng đầu...). Bất cứ triều đại nào muốn phát triển thịnh vượng cũng phải coi trọng chính sách xây dựng, trọng dụng hiền tài.

Bởi tầm quan trọng đặc biệt của hiền tài nên khi đất nước gặp họa xâm lăng, nô dịch, kẻ thù của dân tộc luôn tìm mọi cách tấn công, mua chuộc kẻ sĩ. Mục tiêu của các thế lực xâm lăng là làm cho nguyên khí quốc gia suy yếu để dễ bề thao túng, cai trị, biến đất nước ta thành thuộc địa, nhân dân thành nô lệ. Với tinh thần, cốt cách của tinh hoa người Việt, các bậc sĩ phu, hiền tài trong lịch sử dân tộc luôn đề cao tinh thần yêu nước, không bao giờ chịu khuất phục, cúi đầu trước âm mưu, thủ đoạn của ngoại bang. Các tấm gương kẻ sĩ với tinh thần, cốt cách như tùng, như bách, chí khí hiên ngang đã trở thành những biểu tượng đẹp, sống mãi cùng lịch sử dân tộc, tiếng thơm lưu danh vạn thuở.

Tuy nhiên, lịch sử dân tộc cũng ghi rõ không ít trường hợp người tài trở cờ, phản quốc cầu vinh, để lại vết nhơ, tiếng xấu đến muôn đời. Con đường phản quốc cầu vinh của những kẻ cơ hội mỗi thời một khác, mỗi người một kiểu, nhưng đều xuất phát từ lòng tham, đố kỵ, cơ hội. Họ đều là những người có tài nhưng kém đức, mang tinh thần, tham vọng của kẻ tiểu nhân, lung lay cốt cách...

Thời đại ngày nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang mở ra những vận hội, thời cơ mới, tạo môi trường thuận lợi lý tưởng để nhân tài bộc lộ phẩm chất, tài năng, khẳng định giá trị bản thân và khát vọng, mục tiêu cống hiến. Xây dựng đất nước hùng cường, dân tộc phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, thái bình là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Những vấn đề Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra đã liên tục được Đảng ta chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, càng khi đất nước đạt được những thành tựu to lớn, thì các thế lực thù địch càng ráo riết, mở rộng hơn quy mô, cường độ chống phá. Kẻ sĩ tiếp tục vừa là mục tiêu, vừa là công cụ bị các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Không ít người tiếp tục sập bẫy, bị điều tra, khởi tố vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Phải đưa những đối tượng ấy ra trừng trị trước pháp luật là việc cực chẳng đã, bởi Đảng, Nhà nước ta luôn mong muốn những ai trót nhúng chàm thì hãy tự gột rửa. Khi tất cả giải pháp giúp cho việc “gột rửa” ấy không có tác dụng, cái chất “tùng”, “bách” trong tư tưởng, cốt cách của họ đã bị mất thì mới phải truy tố. Tính nghiêm minh và tính nhân văn của pháp luật là thế.

Bởi vậy, việc nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững cốt cách, tinh thần như tùng, như bách không chỉ là sự mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với trí thức, văn nghệ sĩ, mà còn là lời tự răn, ý thức tự rèn giũa của kẻ sĩ trong đời sống hôm nay.

Theo Báo QĐND

Tin cùng chuyên mục