Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt cụm tượng đài Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Trong ấn tượng của tôi, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, tài năng đức độ, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng vì nước vì dân, có lối sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đã làm gương cho toàn Đảng, toàn Dân noi theo.
Trong thời gian làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đặc biệt là trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ; trong lĩnh vực đối ngoại, với đường lối “ngoại giao cây tre”, đến nay nước ta đã có quan hệ chiến lược toàn diện với nhiều nước trên thế giới, trong đó có 3 quốc gia trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Việc nhiều nguyên thủ quốc gia các nước lớn liên tục đến thăm Việt Nam đã làm nức lòng nhân dân cả nước.
Tôi có 3 khóa làm Trưởng đoàn đại biểu quốc hội (Khóa XI, XII, XIII) và 2 khóa làm Bí thư Tỉnh ủy (Khóa XIV, XV), tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nên có nhiều dịp gặp và làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí giữ các cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư.
Trong ấn tượng của tôi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự là người lãnh đạo rất giản dị và gần gũi. Còn nhớ, khi lên thăm Tuyên Quang với cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XII, chuyến đi ấy, Chủ tịch Quốc Hội không đi xe riêng mà đi xe 12 chỗ ngồi cùng với đồng chí Chủ tịch Hội đồng dân tộc và các Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội. Khi đi làm việc với huyện Yên Sơn, tôi xin phép được cùng ngồi trên chiếc xe 12 chỗ, khác với hình dung của tôi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất bình dị, với những câu chuyện tiếu lâm thường nhật, không có khoảng cách gì với anh em cấp dưới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng đồng chí Nguyễn Sáng Vang.
Ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngày 28-1-2011, Tuyên Quang vinh dự là địa phương đầu tiên được đồng chí Tổng Bí Thư đến thăm và làm việc. Yêu cầu của đồng chí là: Không băng rôn khẩu hiệu chào đón Tổng Bí Thư, nên tỉnh Tuyên Quang đã chọn khẩu hiệu “Tuyên Quang thủ đô kháng chiến nhiệt liệt chào mừng thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng”.
Trong chuyến thăm đó, sau bữa cơm trưa tại Nhà văn hóa thôn Pó Củng, xã Kim Bình, Chiêm Hóa, để tiết kiệm thời gian di chuyển từ Kim Bình đến Tân Trào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị tôi chọn một nhà dân để nghỉ tạm ngay tại đây thay vì di chuyển đến nhà khách huyện Chiêm Hóa do tỉnh đã bố trí. Tại chỗ nghỉ, đồng chí Tổng Bí Thư vui vẻ mời tôi nghỉ lại cùng khiến tôi cảm thấy rất xúc động và gần gũi. Buổi trưa ấy, tôi vinh dự được nghỉ trưa cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Nhà sàn thuộc Ban quản lý Khu di tích Kim Bình. Đây là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi về sự bình dị của một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta.
Năm 2012 khi duyệt đồ án Cụm tượng đài Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Tỉnh đề xuất đặt tên Quảng trường là Quảng trường Nguyễn Tất Thành, với mong muốn thành công trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhất trí với các đề xuất của tỉnh, đồng thời đề nghị tỉnh phải xây dựng cụm tượng đài đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tiêu cực, vì đó là danh dự toàn tỉnh, cũng là công trình để đời. Đồng thời, đồng chí cho ý kiến về một số chi tiết của đồ án. Sau này, khi xây dựng, Tuyên Quang đã tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Quảng trường Nguyễn Tất Thành hiện nay là một trong những điểm nhấn ấn tượng của tỉnh Tuyên Quang, đã xuất sắc đạt giải thưởng Phong cảnh thành phố Châu Á.
Ngày 28-8-2014, khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) – một xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới, cũng là xã giải quyết tốt việc di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang. Khi hỏi thăm đồng bào thôn Mỹ Hoa, biết được đời sống của đồng bào tốt hơn nơi ở cũ, đồng chí rất xúc động và khen ngợi.
Khi bắt đầu chương trình làm việc, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị được lắng nghe người dân nói trước. Sau khi nghe các ý kiến của người dân, Tổng Bí thư rất phấn khởi, với câu nói mà chúng tôi vẫn nhớ như in, đó là: Được về với Dân, thấy được tình yêu nước, tinh thần cách mạng của Nhân Dân, càng khẳng định sự gắn bó máu thịt của Đảng với Nhân Dân.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hát cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Tối ấy, trong bữa cơm giản dị, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang đã hát tặng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Thật bất ngờ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã lên sân khấu hát cùng chúng tôi. Sau này, chúng tôi được biết đây là một trong những lần hiếm hoi, đồng chí Tổng Bí thư hát trước mọi người.
Đây thực sự là một kỷ niệm đặc biệt, cũng phần nào khẳng định, tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mảnh đất và con người Tuyên Quang – Thủ đô kháng chiến.
Với trí tuệ mẫn tiệp, tài năng đức độ, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một mất mát rất to lớn đối với Đảng và Nhân Dân ta. Tôi mong rằng, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đoàn kết, phát huy thành tựu mà đồng chí cố Tổng Bí thư đã gây dựng, học tập tác phong làm việc, lối sống giản dị, đức độ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng để nước ta đạt được những thành tựu to lớn hơn, rực rỡ hơn.
Bản thân tôi nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục phát huy trách nhiệm đảng viên, góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang)..
Gửi phản hồi
In bài viết