Trò chuyện cùng chúng tôi trong ngôi nhà sàn bê tông khang trang, ông Nông Văn Chuyền, dân tộc Tày, thôn Pá Han, xã Phù Lưu chia sẻ, vì xây dựng đã lâu nên ngôi nhà gỗ của gia đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải thay thế một ngôi nhà mới. Khi đó, gia đình ông rất lo lắng do tìm gỗ làm nhà khó lắm và kinh phí để làm một ngôi nhà sàn bằng gỗ là rất lớn. Năm 2016, sau khi tham khảo, tìm hiểu, gia đình ông quyết định làm ngôi nhà sàn bằng bê tông với diện tích sàn khoảng 120 m2 khi hoàn thiện chi phí hết gần 400 triệu đồng. Trong khi đó để làm một ngôi nhà sàn với diện tích đó bằng vật liệu gỗ sẽ mất gấp đôi, gấp ba tùy vào loại gỗ. Ngoài tốn ít chi phí, làm nhà sàn bằng bê tông sử dụng lâu dài có thể lên đến hàng trăm năm, góp phần bảo vệ rừng. Đồng thời, vừa sạch vừa thoáng mát mà vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Không gian thoáng mát, sạch đẹp trong ngôi nhà sàn bê tông ở xã Thành Long (Hàm Yên).
Tại xã Thành Long, nơi mà vài năm qua đã có không ít ngôi nhà sàn làm bằng bê tông được cất lên. Ở thôn Phúc Long 2, gia đình anh Đặng Văn Công cùng tốp thợ đang hoàn thiện ngôi nhà sàn bằng bê tông vững chãi, thuộc diện khang trang, bề thế nhất thôn. Tính ra từ lúc khởi công đến khi khi hoàn thiện, toàn bộ chi phí thuê nhân công, mua nguyên vật liệu ngót 1 tỷ đồng. Anh Công cho biết, mặc dù đời sống hiện đại, ở nhiều nơi, người Dao chuyển sang ở nhà xây mái bằng, nhà cao tầng… nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nếp nhà sàn, lối kiến trúc 3 gian, 2 chái như truyền thống. Tất cả những phần quan trọng của ngôi nhà như cột, xà nhà đều được làm bằng bê tông, sàn nhà lát gạch hoa, mái lợp tôn, cửa sổ và cửa chính của ngôi nhà được làm bằng gỗ để đảm bảo sau khi sơn giả gỗ lên các phần được làm từ bê tông ngôi nhà sẽ hài hòa, nhìn như được làm bằng gỗ. Ngoài ra, để thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt, gia đình anh còn xây dựng thêm phòng ở, bếp, nhà vệ sinh khép kín. Dưới gầm sàn xây bao quanh để tạo thêm không gian sinh hoạt chung. Việc cải tiến này cũng không làm mất đi nét truyền thống của ngôi nhà sàn.
Nền nếp sinh hoạt ở nhà sàn của các dân tộc đã in đậm trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Khi xây dựng bà con vẫn dựa trên kiến trúc ngôi nhà sàn bằng gỗ truyền thống. Nhà sàn bê tông có thời gian làm nhanh hơn nhà xây thường. Kết cấu cột, sàn, xà, kèo được đổ liền nhau giúp cho ngôi nhà rất chắc chắn. Các cột, xà trong quá trình đổ được vuốt vuông vắn, sơn giả gỗ, trông ấm cúng như nhà sàn gỗ quý vậy. Đây được xem như là giải pháp hữu hiệu vừa để giữ gìn nét đẹp văn hóa với ngôi nhà sàn, vừa có thể kiên cố ngôi nhà đảm bảo sử dụng được lâu dài. Không những đáp ứng được tiêu chí về nhà, những ngôi nhà sàn bằng bê tông đang tạo nên những điểm nhấn rõ nét trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Thành Long. Hiện tại, xã Thành Long có gần 500 ngôi nhà sàn bê tông, chiếm hơn 35% số nhà trong xã.
Theo đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, mô hình làm nhà sàn bằng cột bê tông xuất hiện trên địa bàn huyện Hàm Yên khoảng 20 năm qua. Qua thực tiễn sử dụng mô hình nhà sàn kiểu mới này đã được người dân hưởng ứng vì vừa bền vững lại tiết kiệm được chi phí xây dựng. Đồng thời, vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống, hạn chế làm ảnh hưởng đến môi trường và những tác động xấu đến rừng tự nhiên. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình làm nhà sàn bằng bê tông, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết