Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 28.
Theo Nghị định 28, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (CSXH) được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo dân tộc thiểu số hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo nghị định này và các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi.
Gia đình anh Trần Văn Sơn, dân tộc Cao Lan, thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long (Hàm Yên) được vay 100 triệu đồng trong 5 năm theo diện chuyển đổi nghề từ tháng 9-2022. Trong đó, anh trả nợ cũ 50 triệu cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện; số vốn còn lại mua 1 trâu mẹ, 1 trâu con, sửa sang chuồng trại. Anh Sơn phấn khởi: Từ năm 2016, gia đình anh đã chăn nuôi trâu, song do hoàn cảnh quá khó khăn, anh phải bán trâu.
Cán bộ xã Thành Long (Hàm Yên) kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn của các hộ vay chuyển đổi nghề trên địa bàn.
Bao năm qua, vợ chồng anh vẫn ao ước mua được con trâu sinh sản để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển đàn trâu có thêm thu nhập. Từ ngày có trâu, vợ chồng con cái phân công nhau chăn trâu mỗi ngày, trâu cứ phải ăn no cỏ mới yên tâm làm việc khác. Gia đình chúng tôi đang phấn đấu xây dựng được mô hình chăn nuôi trâu hiệu quả để nâng cao thu nhập, thoát nghèo trong thời gian tới - anh Sơn bày tỏ quyết tâm.
Dọn về ở ngôi nhà sàn bê tông mới hoàn thành từ đầu năm 2023, niềm vui vẫn hiển hiện trên khuôn mặt của bà Hoàng Thị Vui, dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn). Bà Vui vui vẻ nói: “Đến gần hết đời người, chúng tôi mới được ở trong ngôi nhà kiên cố. Ngôi nhà có trị giá 300 triệu đồng. Gia đình được vay 40 triệu đồng theo Nghị định 28, Huyện đoàn Yên Sơn hỗ trợ 30 triệu đồng, số còn lại được anh em họ hàng cho mượn. Trong đó, nguồn vốn vay chỉ có lãi suất 3%/năm; vay tối đa là 15 năm, 5 năm đầu, gia đình chưa phải trả nợ gốc. Chúng tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để có ngôi nhà khang trang, yên tâm lao động sản xuất”.
Gia đình bà Vui và gia đình anh Sơn là 2 trong 789 hộ vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28 trên địa bàn tỉnh tính đến 31-3 với tổng nguồn vốn vay 39,7 triệu đồng. Trong đó, gần 21,25 tỷ đồng cho 532 hộ được vay hỗ trợ nhà ở; trên 18 tỷ đồng hỗ trợ cho 249 hộ vay chuyển đổi nghề; 3 hộ vay 216 triệu đồng để phát triển sản xuất; 4 hộ được vay hỗ trợ đất ở 190 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 28 chủ yếu phục vụ cho Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”.
Niềm vui của gia đình bà Hoàng Thị Vui, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) trong ngôi nhà mới
được hỗ trợ từ Nghị định 28 của Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Ngay sau khi Nghị định 28 của Chính phủ có hiệu lực, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp đẩy nhanh tiến độ rà soát các đối tượng để triển khai cho vay.
Đến nay, qua kiểm tra đánh giá nguồn vốn cho thấy các hộ sử dụng nguồn vốn vay tốt, đúng mục đích. Để Nghị định 28 triển khai có hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng; công khai, minh bạch, trong tháng 3-2023, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi cho trên 630 người là bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể thôn, bản; người dân tộc thiểu số tại huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa.
Hiện nay, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục rà soát các đối tượng, nhu cầu vốn của các đối tượng để làm căn cứ cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố thẩm định, giải ngân đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các hộ gia đình cũng như từng địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết