Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định môn tiếng Hàn và tiếng Đức là ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Bên cạnh việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, hai môn học này còn trang bị kiến thức, kỹ năng học tập ngoại ngữ nói chung, đáp ứng được nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Tổng thời lượng học tập môn tiếng Đức của học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 là 1.155 tiết. Trong đó, học sinh tiểu học học 4 tiết/tuần; học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông học 3 tiết/tuần. Môn tiếng Hàn cũng có thời lượng học tập tương tự.
Trước một số ý kiến băn khoăn, lo lắng về việc môn tiếng Đức, tiếng Hàn sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin rõ: Đây là cách hiểu chưa đầy đủ. Khái niệm “ngoại ngữ 1” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2006, nhà trường chọn 1 trong 4 ngoại ngữ làm ngoại ngữ 1, gồm: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy học trong trường phổ thông như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2, tùy theo nhu cầu, lựa chọn của các địa phương, nhà trường.
Như vậy, sau khi ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm, hiện ngoại ngữ 1 gồm có 7 thứ tiếng gồm: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức. Tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương, nhà trường bắt buộc chọn 1 trong 7 thứ tiếng trên để tổ chức giảng dạy.
Còn khái niệm “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện thực tế, các nhà trường có thể tổ chức giảng dạy đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Gửi phản hồi
In bài viết