Trong chuyến điền dã sáu ngày tại hai huyện biên giới Phong Thổ và Sìn Hồ (Lai Châu), đoàn công tác Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã sưu tầm được 141 hiện vật, gồm các bộ xà tích, hoa tai, váy áo, trang phục, đồ dùng của bà con dân tộc Dao, Lự, Mông, Hà Nhì, Thái Trắng được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Ðiều thú vị khi gặp gỡ, trao đổi với bà con người Mông ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, là đoàn công tác đã sưu tầm được bộ váy áo truyền thống trong đó có những yếu tố kỹ thuật pha trộn của người Lô Lô. Chia sẻ về bộ váy áo này, chị Bùi Thị Thanh Thủy, cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Người Mông ở Dào San tự gọi mình là Mông Lô Lô, điều này thể hiện rõ nét qua trang phục truyền thống với phần váy mang nét đặc trưng của dân tộc Mông, in sáp ong, may xếp nếp, dáng xòe, nhuộm chàm nhưng phần áo trên có phần ghép vải thành những mảng hoa văn, họa tiết có hình khối đặc trưng của người Lô Lô. Trong các nghiên cứu khoa học cũng như qua tư liệu điền dã không có nhóm dân tộc Mông Lô Lô và xã Dào San không phải là địa bàn cư trú của dân tộc Lô Lô.
Càng đi sâu vào các xã biên giới, giao thông khó khăn, càng thấy sự giao thoa văn hóa chưa diễn ra sôi nổi, phong tục văn hóa không biến đổi nhiều, người dân vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa riêng của tộc người. Ðặc biệt những người già ở đây còn lưu giữ trong ký ức rất nhiều câu chuyện về phong tục, nghi lễ của dân tộc mình. Ðối với người Dao, bản Tà Phìn, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, từ trang phục truyền thống đến trang sức được coi là tài sản và truyền qua nhiều đời. Những hiện vật này chứa đựng niềm tin tâm linh và nét văn hóa đặc trưng. Người Dao quan niệm giá trị di sản không nằm ở chất liệu hay kim loại quý mà đó là tài sản được trao truyền, mang trong đó nhiều câu chuyện, nhiều lớp người sử dụng và niềm tin trao gửi trong đó. Cụ thể như khi mẹ chồng, mẹ đẻ tặng những bộ trang phục, trang sức làm của hồi môn cho con dâu hay con gái trong đám cưới, họ dặn người con phải có trách nhiệm lưu giữ cho thế hệ sau. Vì thế ngày nay, trong đời sống hằng ngày, người Dao có thể đeo hoa tai bằng đồng, mặc những bộ trang phục cách tân, đan xen nhiều yếu tố mới tăng tính tiện dụng nhưng trang phục truyền thống với chất liệu vải bông, được khâu tay, thêu tay, cấu tạo trang phục theo mẫu cũ và những đôi hoa tai bằng bạc vẫn là những di sản trong gia đình, không dễ gì bán hay trao tặng người ngoài. Người Dao tin rằng, nếu không nắm giữ được di sản của dân tộc, sau khi chết sẽ không có gì để chôn theo, không nhận được mặt tổ tiên. Niềm tin bất biến này là yếu tố ràng buộc nên di sản vẫn còn được lưu giữ trong cộng đồng. Mỗi người già trong từng nếp nhà luôn định hướng các giá trị truyền thống, nhắc nhở các thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn phải bảo tồn, lưu giữ di sản gia đình mình.
Sống bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, đời sống bà con Xinh Mun ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) thay đổi mỗi ngày. Thích nghi với cuộc sống hiện đại, từ bỏ hủ tục tảo hôn và sinh con cận huyết thống, biết làm ăn, phát triển kinh tế nhưng vẫn gìn giữ nhiều phong tục độc đáo và các nghi lễ văn hóa lâu đời. Chị Hoàng Như Hoa-Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chứng kiến các nghi lễ cúng mang thai, sinh con của dân tộc Xinh Mun cho biết, tất cả các bước thực hiện nghi lễ đều hướng đến việc cầu mong cho em bé bình an, vừa giúp các thành viên trong gia đình yên tâm và thúc đẩy sợi dây gắn kết giữa các thành viên. Ðối với phụ nữ Xinh Mun, sẽ có lễ cúng an thai vào tháng thứ năm hoặc thứ sáu của thai kỳ, em bé sau khi sinh ba ngày sẽ làm nghi lễ báo cáo với tổ tiên rằng trong nhà có thành viên mới. Sau đó là lễ đặt tên cho đứa trẻ, lễ cúng mả bóc cầu cho em bé khỏe mạnh. Ðối với thanh niên Xinh Mun, trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ luôn đồng hành hướng dẫn, chỉ bảo cũng như trao truyền các tri thức dân gian. Ngoài tìm hiểu các nghi lễ và phong tục, hòa nhập cuộc sống cùng dân bản, đoàn còn ghi âm, ghi hình các câu chuyện và thông tin liên quan đến lễ tằng cẩu; nghi lễ sinh con nơi gian bếp; nghi lễ trình với mặt trời, đồng ruộng; chung tên; lời ru và câu chuyện cái nôi... cũng như tìm hiểu ý nghĩa các vật dụng trong đời sống hằng ngày của bà con Xinh Mun. Những thước phim, băng ghi âm lời kể, câu chuyện từ chính chủ nhân hiện vật, tư liệu, hình ảnh về đời sống, tập tục, nghi lễ đem đến cái nhìn trực diện và chân thực nhất về giá trị vật chất và giá trị văn hóa của người dân tộc Xinh Mun.
Thực hiện Quyết định 219/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, thời gian qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành sưu tầm hiện vật và khai thác các câu chuyện liên quan đến tập tục truyền thống, nghi lễ của đồng bào dân tộc các huyện biên giới ở Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ðối với những hiện vật sưu tầm, tiếp quản, bảo tàng sẽ làm hồ sơ, thủ tục pháp lý, gắn mã định danh để các hiện vật, di sản của các dân tộc trở thành hiện vật, tài sản quốc gia. Giá trị hiện vật và giá trị văn hóa di sản sẽ được khai thác và phát huy tối đa, đáp ứng mục tiêu tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để công chúng hiểu hơn về tập tục và nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, công tác nghiên cứu, bảo tồn, sưu tầm và lưu giữ tư liệu của hệ thống bảo tàng đang tạo thành một thể thống nhất cho di sản ở cả giá trị vật chất và giá trị văn hóa. Thông qua các triển lãm, bộ phim, chuyển đổi số, khối tư liệu, hiện vật chung này sẽ góp phần làm phong phú tri thức về phong tục, nghi lễ, tập quán trong đời sống của bà con dân tộc vùng biên ở Sơn La và Lai Châu.
Gửi phản hồi
In bài viết