Nhân quyền ở Việt Nam - Thành tựu không thể phủ nhận

- Hiện nay vấn đề nhân quyền đang được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng như một thứ vũ khí để chống phá chế độ, chúng thường xuyên đưa ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, những luận điệu mà chúng đưa ra không thể phủ nhận được sự thật là ở Việt Nam quyền con người đang được tôn trọng, phát huy hơn bao giờ hết.

Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tiếp tục khẳng định sự nhất quán về quyền con người, quyền công dân được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây; đồng thời bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn; được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói, giảm nghèo. Hai năm qua, dù phát triển kinh tế không đạt mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song các quyền cơ bản của người dân vẫn luôn được đảm bảo. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 - 2019, đưa Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo Chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc, năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Với những thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm nhân quyền, Việt Nam đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề cử tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục thực hiện đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta đã khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” .

Như vậy, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người là nhất quán, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Những thành tựu đạt được thời gian qua là những bằng chứng không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam.   

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục