Nghệ nhân gỗ lũa
Cách cầu Chiêm Hóa không xa là ngôi nhà 3 tầng của nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh - Chủ cơ sở gỗ Lũa nổi tiếng của vùng đất Chiêm Hóa. Khi vào nhà, chúng tôi đã thấy mùi gỗ Ngọc am thoang thoảng. Theo ông Vịnh, càng về đêm thì mùi thơm càng đậm hơn. Trong nhà không bao giờ xuất hiện ruồi muỗi hay côn trùng chính là nhờ mùi hương đặc biệt này.
Ông Vịnh tham gia lực lượng TNXP của huyện rồi làm lái tàu tại bến phà Chiêm Hóa thời chống Mỹ. Đất nước hòa bình, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai khiến ông phải nghỉ hưu non để làm nhiều nghề kiếm sống. Nắm bắt nhu cầu của người chơi gỗ lũa cảnh ngày càng nhiều, năm 2000, ông Vịnh mở xưởng chế tác gỗ lũa.
Những ngày đầu bước chân vào nghề chế tác gỗ lũa, không ít lần ông trầy da, đổ máu khi mải mê với những mũi đục, đường cưa. Chế tác đã khó, tìm kiếm lũa khó gấp bội phần. Bởi theo ông, lũa vốn là những cây gỗ sinh sống ở vùng núi cao như: gù hương, ngọc am... có tuổi đời hàng trăm năm khi chết đi chìm vào lòng đất, lòng sông. Lấy được nó cả một quá trình gian nan. Có thời gian, ngày nào người dân Chiêm Hóa cũng thấy ông Vịnh lặn ngụp dưới sông chỉ để vớt lên những khúc gỗ cứng như đá. Có lần, ông phải mất 3 ngày mới đưa được khối gỗ khổng lồ dưới đáy dòng Gâm lên bờ.
Từ những khúc gỗ trơ lõi dưới lòng sông đã được nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh chế tác thành những
tác phẩm nghệ thuật có giá trị bạc tỉ.
Từ những gốc cây sần sùi nhiều nốt, nhiều nhánh, dưới bàn tay tài hoa, ông đã tạo thành những tác phẩm lũa cảnh để đời, với các tên gọi mĩ miều, như: “Long - Phượng dưỡng tử”, “Bát tiên dáng động”, “Kỳ lũa hóa thân”... có giá trị từ vài triệu đồng đến bạc tỷ.
Đến nay, ở tuổi 76, ông vẫn cần mẫn lao động. Có thời điểm, cơ sở nhiều đơn hàng, ngày ông phải làm việc suốt 10 tiếng đồng hồ. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông cười bảo: Mình làm việc không phải vì tiền, mà nó là đam mê.
Cơ sở gỗ lũa của gia đình ông Vịnh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phan Văn Vinh, thôn Tân Quang, xã Vinh Quang đã gắn bó tại xưởng gỗ lũa ông Vịnh ngót chục năm nay. Anh chia sẻ, vợ chồng anh không có việc làm ổn định, gia cảnh khó khăn, 2 con lại đang tuổi ăn tuổi học. May mắn anh đã được ông Vịnh dạy nghề, tạo việc làm tại xưởng. Từ một người “mù” kiến thức về chế tác, dưới sự chỉ bảo tận tình của ông Vịnh, nay anh Vinh đã làm thành thạo các sản phẩm khách đặt hàng. “Ông Vịnh cẩn thận lắm. Ông hướng dẫn, dạy nghề cho tôi từng tí một. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông, giờ tôi đã làm thành thạo rất nhiều sản phẩm.
Tôi rất cám ơn ông. Nhờ ông, tôi vừa có một công việc mang lại thu nhập ổn định cho gia đình” - Anh Vinh nói.
Để làm được một sản phẩm lũa cảnh đẹp, nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh phải mất rất nhiều thời gian.
Đến nay, hơn 20 năm gắn bó với lũa, ông Vịnh đã hoàn thành được hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Sản phẩm gỗ lũa cơ sở ông đại diện cho tỉnh nhà tham gia hơn 30 cuộc triển lãm ở các hội chợ của huyện, tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong nước. Qua bình chọn các tác phẩm nghệ thuật của ông đã đạt 2 giải vàng, 3 giải bạc. Năm 2013, ông đã được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng và cúp "Bàn tay vàng" và bình chọn nghệ nhân phát triển kinh tế giỏi.
Khí chất thanh niên xung phong
Không chỉ là một nghệ nhân gỗ lũa giỏi, khí chất của người thanh niên xung kích luôn rực cháy trong trái tim cựu TNXP già. Công việc xưởng gỗ lũa bận rộn là vậy, thế nhưng mỗi khi trên huyện, dưới trấn có việc, ông đều gác lại, dành thời gian làm việc có ích cho Hội, lợi cho dân.
Năm 2008, Chi hội Cựu TNXP thị trấn Vĩnh Lộc được thành lập, ông Vịnh được bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP thị trấn Vĩnh Lộc. Gương mẫu, trách nhiệm cao công tác Hội, hội viên, năm 2019, ông tiếp tục được cấp ủy, tổ chức Hội tin tưởng, giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP của huyện.
Gần 15 năm gắn bó với công tác hội, không ngày nào ông thôi lo nghĩ cho đồng đội của mình. Ông bảo, Hội Cựu TNXP là một tổ chức Hội có tính đặc thù, số lượng hội viên ngày một giảm, độ tuổi ngày càng cao. Bởi vậy, những việc mình làm được thì mình phải cố gắng làm. Ông luôn quan tâm, hết lòng vì quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên; vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội, tham nhũng; tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Cựu TNXP Nguyễn Quang Vịnh (thứ 4 từ phải sang) trò chuyện với đoàn viên thanh niên trong huyện.
Đến nay, cựu TNXP Tô Thị Đường, hội viên Cựu TNXP xã Hòa An khuất bóng vừa tròn 1 tháng, thế nhưng, đối với cấp ủy, chính quyền và hội viên cựu TNXP xã Hòa An, sẽ chẳng một ai quên được những giọt nước mắt hạnh phúc, cảm động của bà khi nhận được bộ quần áo TNXP ông Vịnh tặng. Ông Vịnh cho biết, khi hay tin có một hội viên 90 tuổi ở xã Hòa An ước mơ được mặc một bộ đồng phục TNXP nhưng do gia cảnh nghèo không có tiền mua, ông đã bỏ tiền mua một bộ quần áo TNXP rồi cùng cấp ủy, cán bộ, hội viên cựu TNXP xã đưa xuống tận nhà tặng bà Đường. Nhận bộ đồ từ tay ông Vịnh, bà Đường xúc động, giọt nước mắt lăn dài trên gò má héo tàn.
Ngoài những đợt hỗ trợ, giúp đỡ đột xuất, hàng năm, ông đều dành tặng 10 suất quà tết cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Lăn lộn với công tác Hội, hình như ông quên đi tuổi tác của mình. Ngoài công việc của Hội cựu TNXP, ông còn là đội phó đội tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện. Những năm qua, chẳng kể nắng hay mưa, những đợt vận động quyên góp hay thiện nguyện của Hội, chưa lần nào ông vắng mặt. Ông đã cùng đồng đội làm tốt vai trò kết nối giữa tổ chức Hội với các nhà hảo tâm để xây dựng nguồn lực trợ giúp hoạt động của Hội. Những chuyến thiện nguyện, ông vừa tiên phong ủng hộ, vừa đồng hành cùng các tình nguyện viên đến các điểm xã vùng sâu, vùng xa thăm hỏi, tặng quà. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông đã ủng hộ 1 triệu đồng công tác phòng, chống dịch.
Hỏi lý do khi tuổi cao sức yếu ông vẫn gắn bó với việc cộng đồng, ông Vịnh bộc bạch: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi bố mẹ từ sớm, tôi thấu hiểu cái đói, cái nghèo. Do đó, khi gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy mình cần có trách nhiệm, muốn làm việc nghĩa”. Với suy nghĩ giản đơn mong muốn được giúp đỡ người khó hơn mình, vậy nên ở cái tuổi thất thập, người cựu lính già ấy vẫn cần mẫn lao động để làm việc có ích cho đời.
Gửi phản hồi
In bài viết