Mô hình kinh tế mới của đảng viên
Bí thư Đảng ủy xã Trung Hà Ma Văn Lập khoe với tôi: “Vài năm gần đây, Trung Hà nhiều mô hình kinh tế hay lắm! Nào là trồng dưa lê, dưa hấu, trồng gừng, nuôi giun quế, ốc nhồi, nuôi trâu nhốt chuồng, trồng rừng. Cái hay là những mô hình này chủ yếu do đảng viên nghĩ ra và làm trước”.
Đưa tôi đến thôn Nà Đao trên con đường bê tông qua những cánh đồng mướt xanh của vườn dưa lê, dưa hấu đang vụ thu hoạch, Bí thư Đảng ủy Ma Văn Lập tỏ rõ niềm phấn khởi. Người góp công lớn đưa mô hình dưa hấu, dưa lê vào trồng rộng rãi ở Nà Đao chính là Phó Bí thư chi bộ Ma Đức Vén. Từ kinh nghiệm kinh doanh hoa quả, anh Vén và vợ đã “học lỏm” được kỹ thuật trồng dưa hấu, dưa lê của các xã như Tân Mỹ, Hùng Mỹ…, anh quyết định chuyển đổi toàn bộ 3.000 m2 ruộng trồng lúa sang trồng dưa hấu, dưa lê. Ban đầu, do chưa nắm hết được kỹ thuật, chưa biết cách làm luống, bón phân nên dưa cho quả ít, dưa hấu không nhiều nước nên bán chưa có lời cao. Tìm hiểu nguyên nhân và rút kinh nghiệm, tự mày mò học hỏi, từ năm sau, anh đã biết cách làm luống, phủ nilon, bón phân cho dưa. Nhờ đó, dưa ra quả sai, ngọt, mọng nước. Vài người mua rồi truyền đến tai nhau, thương lái cứ thế tìm đến gia đình anh Vén để mua dưa. Mỗi vụ, gia đình anh Vén thu từ 3 đến 5 tấn dưa. Một năm, gia đình anh thu 3 vụ dưa, ước khoảng 15 tấn dưa. Với giá bán buôn 10.000 đồng/kg dưa, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Vén cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Vén phổ biến cho các đảng viên khác trong chi bộ và nhân rộng ra nhân dân. Đến nay, Nà Đao đã có 30/48 hộ có diện tích trồng dưa với 5 ha. Từ một thôn trồng dưa, đến nay, xã Trung Hà đã nhân rộng ra 5 thôn trong xã trồng dưa.
Phó Bí thư chi bộ Ma Đức Vén (ở giữa), thôn Nà Đao phổ biến kinh nghiệm trồng dưa lê cho nhân dân.
Bí thư chi bộ Nà Đao Đàm Văn Nghĩa là người tiên phong trong thôn thực hiện mô hình nuôi ốc nhồi để bán trứng ốc và ốc thương phẩm. Từ mô hình nuôi ốc nhồi cho kinh tế cao của một người bạn, Bí thư chi bộ Nghĩa đã học hỏi từ bạn và trên mạng xã hội, anh đã cải tạo lại ao để nuôi ốc nhồi trên diện tích 3.000 m2. Khi trên thị trường, giá bán trứng ốc lên tới 1,2 triệu đồng/kg và 250.000 đồng/kg ốc thương phẩm, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng. Thấy có giá trị kinh tế, anh cũng vận động bà con nhân dân trong thôn tận dụng diện tích đất lúa lầy thụt để cải tạo làm nơi nuôi ốc nhồi. Hiện nay, ở Nà Đao có 8 hộ nuôi ốc nhồi thương phẩm và trứng ốc.
Ở Trung Hà vài năm gần đây còn phát triển mạnh cây gừng. Sau khi trồng cam không đem lại hiệu quả kinh tế cao do không phù hợp với đất đai, nhiều hộ ở thôn Khuổi Đinh đã chuyển sang trồng gừng. Đi đầu là đảng viên Triệu Văn Giáp. Ban đầu, anh Giáp chỉ trồng thử 4.000 m2 gừng trên diện tích cam phá bỏ. Năm đầu tiên, gia đình anh thu hoạch 2 tấn gừng, thu về 20 triệu đồng/ vụ. Sau đó, anh Giáp nhân rộng diện tích trồng gừng lên 9.000 m2. Thấy có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, anh Giáp đã đưa ra cuộc họp chi bộ để chi bộ bàn bạc, thống nhất, tổ chức nhân rộng trong nhân dân. Đến nay, thôn Khuổi Đinh đã có 3 ha trồng gừng. Nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng gừng mà thoát nghèo. Gia đình ông Triệu Văn Đức trước đây là hộ nghèo nhưng nhờ nghe sự vận động của các đảng viên trong chi bộ, trưởng các tổ chức đoàn thể, ông đã chuyển đổi 7.000 m2 đất trồng cam sang trồng gừng. Mỗi vụ bình quân ông thu về gần 40 triệu đồng. Cùng với các khoản thu nhập khác trong chăn nuôi, năm 2021, gia đình ông Đức đã thoát nghèo.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, những đảng viên ở Trung Hà đã khơi dậy sự năng động, vươn lên phát triển kinh tế của nhân dân.
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình Bí thư chi bộ Đàm Văn Nghĩa, thôn Nà Đao
cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cho rừng thêm xanh
Dù có nhiều mô hình kinh tế mới, sáng tạo nhưng đảng viên và nhân dân ở Trung Hà vẫn tập trung phát triển kinh tế rừng, đi lên từ rừng. Hiện nay, toàn xã có trên 1.200 ha rừng trồng sản xuất của nhân dân, trong đó có trên 655 ha rừng đã cho khai thác. Đảng viên vẫn là những “ngọn cờ” đi đầu trong phát triển kinh tế rừng. Đến Khuổi Đinh - nơi có 100% đồng bào Dao tiền sinh sống, hỏi ai cũng biết đến ông Triệu Văn Minh - Bí thư chi bộ.
Ông Minh là người đầu tiên chuyển đổi từ trồng cam sang trồng rừng rồi vận động những đảng viên có hoàn cảnh khó khăn làm theo và nhân rộng trong nhân dân. Hiện nay, gia đình ông Minh có 8 ha rừng, trong đó có 2 ha rừng đã cho khai thác. Mỗi vụ khai thác, gia đình ông thu gần 200 triệu đồng. Từ đây, ông vận động đảng viên Triệu Văn Dương và hộ ông Trịnh Văn Hương, đều là hộ nghèo trong thôn chuyển đổi từ trồng cam sang trồng rừng. Ông bảo: “Đất Khuổi Đinh này không thích hợp với trồng cam đâu, bà con ạ. Vì cam không có nước, ăn không ngọt, cây cam cứ lụi dần đi. Càng đổ công, đổ tiền chăm sóc cũng không hiệu quả. Bà con cứ trồng cam thì cũng lụi đi như cây cam, chi bằng bà con ta chuyển sang trồng rừng”. Nghe theo Bí thư chi bộ Triệu Văn Minh, đảng viên Triệu Văn Dương và ông Trịnh Văn Hương quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng cam sang trồng rừng.
Giờ đây, đảng viên Triệu Văn Dương có 9 ha rừng và Trịnh Văn Hương có 5 ha rừng. Nhờ thu nhập từ rừng đã cho khai thác, năm 2021, hộ gia đình đảng viên Triệu Văn Dương và Trịnh Văn Hương đều thoát nghèo. Hiện nay, Khuổi Đinh có trên 70 ha rừng và là thôn có nhiều rừng nhất ở Trung Hà.
Rừng keo 2 năm tuổi của gia đình đảng viên Ma Đức Việt, thôn Nà Đổng.
Rời Khuổi Đinh, chúng tôi tới thăm mô hình trồng rừng của đảng viên Ma Đức Việt, thôn Nà Đổng. Từ mô hình trồng rừng đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình mình, ông Việt đã vận động nhiều hộ trong thôn trồng rừng theo. Từ một cán bộ lãnh đạo xã về nghỉ hưu, ông Việt đã tận dụng đất đồi để trồng 5 ha rừng. Ông vận động các con trai, con gái mình đi lên từ rừng. Có hiệu quả kinh tế, ông thường xuyên đóng góp ý kiến trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn để bà con phát triển rừng.
Gia đình ông Ma Văn Tỉnh có 3 ha đất đồi nhưng trước kia chỉ trồng cây màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều năm liền, gia đình ông không thoát được nghèo. Được đảng viên Ma Đức Việt tuyên truyền, vận động, gia đình ông Tỉnh đã cải tạo đất đồi để trồng keo. Hiện nay, diện tích rừng của gia đình ông Tỉnh đã được thu hoạch hai vụ. Mỗi vụ, gia đình ông cũng có 200 triệu từ rừng. Gia đình ông Tỉnh đã thoát nghèo bền vững được hai năm nay.
Bí thư chi bộ Nà Đổng Ma Thị Thúy chia sẻ, chi bộ có 19 đảng viên thì có 16 đảng viên có rừng. Cả thôn hiện có 45 ha rừng trồng sản xuất của nhân dân. Nhờ có rừng, đời sống của nhân dân cải thiện hơn, có của ăn của để.
Bí thư Đảng ủy Ma Văn Lập cho biết, những điển hình đi đầu phát triển kinh tế của đảng viên trong xã thực sự là những “ngọn cờ” dẫn dắt người dân đi theo con đường làm giàu chính đáng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đưa Trung Hà về đích nông thôn mới trong hai năm tới, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế, khơi nguồn sức sáng tạo của nhân dân xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no.
Gửi phản hồi
In bài viết