Nghề “dâu trăm họ”
“Giao hàng buổi sáng thì khách bảo đang đi làm không giao giờ này, giao buổi trưa thì khách lại bảo đang nghỉ trưa” - Phạm Văn Đồng, chàng trai có nước da ngăm đen ở thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) phân trần. 27 tuổi, Đồng đã trải qua đủ thứ nghề. Từ làm thợ cơ khí, thợ xây, nhân viên giao bia ở các thành phố lớn, rồi Đồng lại trở về quê hương gắn bó với nghề giao hàng. Sự từng trải hiện lên trên màu da đầy nắng và gió. Thế nhưng giọng nói của Đồng vẫn đầy chân thật và ngây ngô. Khi tôi hỏi sắp lấy vợ chưa, em bảo: “Vừa đen vừa xấu thế này thì ai yêu hả chị?”. Tuyến đường Đồng được giao đi đó là khu vực xã Tân Long, Tân Tiến. Mặc dù đường được bê tông hóa đến từng thôn thế nhưng những ngày mưa to, sạt lở đất vẫn thường trực, lũ to qua các đập tràn khiến nhiều “đồng nghiệp” giao hàng cùng tuyến như Đồng ngao ngán.
Nhân viên giao hàng J&T Express sắp xếp hàng hóa giao hàng khu vực huyện Yên Sơn.
Vừa nhanh tay phân loại từng món hàng để chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm nay, Đồng vừa kể chuyện: “Em mới đi tuyến Tân Long, Tân Tiến được vài tháng, thay chân một bạn tên Nguyễn Văn Hùng. Tuần ấy là những ngày mưa to kéo dài, hàng đã tồn vài hôm không thể giao đi. Hôm ấy bắt buộc mọi người phải lên đường để giao hàng cho đúng hẹn. Trên đường đi, Hùng gặp phải đất đá sạt lở làm hỏng xe, trôi mất dép. Hùng bảo cơ thể đau nhức lắm nhưng vẫn cố gượng dậy “cứu hàng” qua điểm sạt. Về bưu cục trong tình trạng lấm lem bùn đất, tóc tai bù xù, chân không đi dép, Hùng bỏ nghề từ hôm ấy...”.
Cái nghề mọi người vẫn tưởng giản đơn này hóa ra lại khắc nghiệt đến thế. Giống như Hùng, Đồng cũng mới trải qua một pha cứu hàng khi qua đập tràn. Hôm ấy nước ngập đến cổ chân, Đồng đâm phải ổ gà rồi ngã. Hàng đổ ra rồi trôi theo dòng nước. Em bảo lúc về đến nhà vẫn còn hoang mang, may mà hàng hóa không hỏng mà chỉ lấm bẩn bên ngoài. Nhiều khách cũng cảm thông...
Với mỗi đơn giao hàng thành công, Đồng được 5.500 đồng. Thế nhưng, giao hàng ở các thôn, xã vùng sâu, vùng xa khó khăn hơn gấp nhiều lần ở thành phố bởi nhiều nơi sóng điện thoại chập chờn, các hộ dân nằm cách xa nhau, nhiều khi phải lặn lội 4 - 5 km chỉ giao một đơn hàng mà còn phải chờ bà con đi nương rẫy về. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả. “Lừa đảo”, “Không trả tiền ship đâu”, “Chú cho anh nợ nhé ngày nào anh chẳng ở đây”, “Thôi trả lại hàng”… Với mỗi đơn hàng khách từ chối, Đồng chấp nhận mất tiền xăng xe, công sức đi lại và cả cước điện thoại. Mỗi ngày 10 tiếng, 1 tuần 7 ngày rong ruổi, bữa trưa chỉ là cốc chè bên đường hoặc trà đá, nước lọc, em vẫn miệt mài với nghề của mình. Bố Đồng mất từ năm 2014 do bạo bệnh, nhà chỉ còn 3 mẹ con nương tựa vào nhau. Đồng đưa tay gạt mồ hôi trên trán rồi bảo: “Em cố gắng làm để mẹ đỡ vất vả. Nghề nào mà chẳng có khó khăn, quan trọng là cái chí mình vững”.
Nhân viên giao hàng Viettel Post sử dụng điện thoại thông minh để tìm đường tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn).
Chị Nguyễn Thị Đúng, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) bảo rằng, nhiều năm làm quản lý bưu cục giao hàng tại Lâm Bình, chị mới thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề vận chuyển. Dạo gần đây xăng tăng rồi nhiều chi phí như bảo dưỡng xe, tiền cơm, nước, phí sinh hoạt cũng tăng theo khiến những nhân viên giao hàng lại thêm gánh nặng. Nhiều đơn hàng xa xôi chỉ cần khách không nhận, bùng tiền “ship”, hoàn trả là coi như không công. Thế nhưng công ty vận chuyển cũng có những chính sách hỗ trợ như vừa tăng 1.500 đồng cho mỗi đơn giao hàng thành công tại các tuyến xa, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Sau thời gian thử việc, các bạn nhân viên giao hàng cũng được đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định...
Niềm vui trên từng chặng đường
Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi và nghề giao hàng ra đời như một xu thế tất yếu. Nếu như trước đây trên địa bàn tỉnh, dịch vụ vận chuyển chỉ có bưu điện, Viettel post thì nay đã đa dạng các hãng như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Supership, J&T Express và các nhóm giao hàng tự do cũng đã đến tận vùng sâu, vùng xa… Dù được đánh giá là công việc đơn giản với mức lương hấp dẫn từ 7 - 15 triệu đồng/tháng thế nhưng đây cũng là nghề rủi ro cao mà người làm phải thật sự có trách nhiệm và yêu nghề mới có thể gắn bó.
Niềm vui khi giao hàng thành công.
Tròn 20 tuổi, dáng người cao ráo, mảnh khảnh, em Dương Quốc Khánh, thôn 4, xã Thái Bình (Yên Sơn) là nhân viên giao hàng nhỏ tuổi nhất Công ty J&T Express, Bưu cục Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Khánh bảo, em cũng đã từng làm thêm nhiều việc khác, thế nhưng những chặng đường rong ruổi với nắng, với gió khiến em cảm thấy thoải mái hơn là ngồi ở nhà. Hiện em đang phụ trách giao hàng khu vực Thái Bình, Tiến Bộ (Yên Sơn), tuyến đường xa nhất và khó đi nhất vào Ngòi Cái, Đèo Trám, thôn Cả em cũng đã từng đi qua. Đến giờ, có nhiều khách quen ở những thôn xa còn chủ động hẹn lấy hàng ở những điểm thuận lợi giúp em đỡ vất vả... Đối với những người làm nghề này như em, đó thật sự cũng là niềm vui vì được cảm thông và chia sẻ.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Dược, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình), việc giao hàng thành công ở những tuyến xa như Hồng Quang, Bình An, Thổ Bình đã là một niềm vui. Mỗi ngày trung bình 60 - 70 đơn hàng, thu nhập bình quân hàng tháng của anh từ 10 - 12 triệu đồng. Đó là mức thu nhập ở vùng cao không phải ai cũng dễ dàng kiếm được. Anh bảo, khó khăn nhất vẫn là đường đi, thời tiết khắc nghiệt, thế nhưng giờ đã gắn bó với nghề thì mình cũng phải yêu lấy nó. Mùa nắng nóng này, bên cạnh những đồ bảo hộ như găng tay, mũ, áo, khẩu trang, mỗi lần lên đường là anh lại chuẩn bị một chai nước để “tiếp sức” khi cần.
Dù nắng hay mưa, những người làm nghề giao hàng vẫn rong ruổi trên đường. Không có ngày nghỉ, nhọc nhằn với đầy mồ hôi, nước mắt cùng nhiều rủi ro trên những cung đường dài họ vẫn luôn nỗ lực vận chuyển hàng hóa đến tận tay khách hàng của mình. Có lẽ điều mà mỗi người làm nghề giao hàng mong mỏi nhất đó là sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu và sự tôn trọng mà bất cứ việc làm chính đáng nào cũng xứng đáng được có.
Gửi phản hồi
In bài viết