Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trao giỏ hoa chúc mừng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng.
Sau tác phẩm “Gánh gánh… Gồng gồng” xuất bản năm 2020 được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và được độc giả hâm mộ (đã tái bản lần thứ 12), cuốn Hồi ký “Khắc đi…Khắc đến” (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành) vừa mới ra mắt của đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng là những chương đời tiếp theo của tác giả-người đàn bà tài hoa đang ở tuổi 95 và còn có biệt danh người đàn bà thép của hội họa Việt.
Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Cha bà là Thanh tra Học chính kiêm Hiệu Trưởng Trường tiểu học duy nhất tại Đà Lạt khi đó.
Năm 16 tuổi, bà quyết định đi theo cách mạng. Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại ở miền bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trước khi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường và bà là nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam làm việc tại phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình Việt Nam bây giờ.
Sau khi về hưu, với niềm thôi thúc muốn làm một điều gì đó để giới thiệu nền văn hóa Việt ra nước ngoài, bà có ý tưởng mở phòng tranh và đã bắt tay thực hiện ngay.
Phòng tranh Lotus ra đời từ năm 1991 là một trong những phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với hành trình hơn 30 năm, phòng tranh Lotus đã đưa nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn với giới thưởng lãm trong nước và quốc tế.
Hồi ký “Khắc đi…Khắc đến” là một hành trình trở về quá khứ của nhà văn Xuân Phượng, ở đó những trải nghiệm quý giá, những biến cố trong cuộc đời được bà viết lại vừa chân thực vừa tinh tế.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hồi ký “Khắc đi…Khắc đến”, mở ra cho bạn đọc thấy rõ hơn hành trình đưa tác phẩm hội họa, đưa văn hóa Việt đến với thế giới. Ngoài trí tuệ, tài năng và bản lĩnh phi thường của nhà văn, đạo diễn, nhà sưu tập tranh Xuân Phượng, độc giả còn cảm nhận ở “Khắc đi… Khắc đến” những khúc quanh co hiểm trở và những sắc màu thật đẹp của khát vọng, của yêu thương, của hạnh phúc và nỗi buồn nơi niềm đau của phận người.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà thơ Bùi Phan Thảo cho rằng, giống như tác phẩm “Gánh gánh… Gồng gồng”, Hồi ký “Khắc đi…Khắc đến” lôi cuốn từ đầu đến cuối, ngồn ngộn thông tin, đầy ắp cảm xúc từ những câu chuyện trong hành trình hơn 20 năm đi triển lãm tranh nhiều nước trên thế giới của tác giả Xuân Phượng và các cộng sự, những người bạn và các họa sĩ.
Những câu chuyện là những dấu ấn không thể quên. Sau những nụ cười, thành công là chông gai luôn rình rập, gai nhọn bất ngờ đâm thẳng vào người, những cạm bẫy ngụy trang khéo léo cùng những phút giây bàng hoàng, điêu đứng...
Không chỉ thế, những câu chuyện trong “Khắc đi…Khắc đến” như nhắc nhớ những người trẻ hơn, những thế hệ đi sau ngẫm ngợi, rút ra được nhiều bài học quý giá.
Đó là lòng tin về giá trị đích thực; là bài học về tấm gương sống đạo đức, tử tế, tấm gương lao động điển hình, tận tâm tận lực với những giá trị cao đẹp và nhất là sự khẳng định tình người là giá trị lớn lao.
Qua các chuyến đi, bà nhận ra bộ mặt thật của người đời, nhận ra đâu là bè bạn đích thực, bền lâu. Chuyện những kẻ lừa đảo, gian xảo như cô Vi hay cô Việt kiều ở Mỹ; chuyện họa sĩ gửi tranh định giá 2.000 USD, khi xưởng cháy (nhưng tranh không cháy) đã thốt lên giá như cháy để được bồi thường 2.000 USD… Nhưng trên hết, trong gian nan bà có những tình bạn, tình người bền chặt với các cộng sự, với các họa sĩ…
Có thể nói, “Khắc đi… Khắc đến” của đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng là một cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng những bài học lớn, là quyển sách cần thiết cho nhiều đối tượng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết