Khép lại năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 24.940 lao động, đạt 116% kế hoạch. Trong đó, lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh là 16.646, lao động đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước là 7.617 và 677 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Những kết quả đáng mừng trên đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tạo việc làm mới trong năm 2023.
Người lao động huyện Sơn Dương tìm hiểu thông tin việc làm và học nghề tại Phiên giao dịch tổ chức trên địa bàn huyện gần đây.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, các ngành, các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu của người lao động, tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho lao động, học sinh trung học trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Trong đó, chủ trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động, học nghề và tạo cơ hội cho người lao động được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Cùng với đó, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động qua trang thông tin vieclamtuyenquang.net hoặc fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh phía Bắc…
Chị Hoàng Thị Thời ở xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) cho biết, thông qua hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm tổ chức trên địa bàn huyện, chị đã nộp hồ sơ và được Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên nhận vào làm việc. Với mức lương từ 7 triệu đồng/tháng trở lên, chị đã có tiền gửi về giúp gia đình đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chị Thời mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi tư vấn giới thiệu việc làm được tổ chức để những lao động nông thôn như chị có cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc tại Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang).
Có thể nói, hoạt động “trải thảm đỏ” thu hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư, các dự án lớn đã từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh đã có những bước phát triển và liên tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động. Trong giai đoạn vừa qua, có nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn đã đi vào hoạt động như: Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Cụm công nghiệp chế biến gỗ ở xã Thắng Quân (Yên Sơn) của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy giày da tại Cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên) của Công ty TNHH Sản xuất Giày Chung Jye Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)…
Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho biết, khi tuyển dụng lao động làm việc, công ty luôn ưu tiên lao động là người địa phương. Chính môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển đã góp phần thúc đẩy hoạt động, sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Ở các huyện, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động đi làm việc. Cùng với đó tạo điều kiện về nguồn vốn vay, các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh… để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ.
Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, xác định công tác giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nên xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề ngắn ngày, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệc việc làm cho người lao động, phấn đấu năm 2023 giải quyết việc làm cho hơn 150 người lao động trên địa bàn…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 toàn tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 22.000 lao động. Đây là mục tiêu khó trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế của cả nước. Song với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai hy vọng toàn tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm đã đề ra. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết