Các hoạt động trong tháng 6 gồm chương trình “Thiếu nhi với nét văn hóa truyền thống các dân tộc”, “Một ngày làm nghệ nhân”, “Về với bản làng quê em”.
Trong các chương trình này, Ban tổ chức tái hiện một không gian dành cho tuổi thơ với các trò chơi dân gian và hoạt động trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống. Các bạn nhỏ được học cách làm chuồn chuồn tre huyện Hoài Đức, nặn tò he huyện Phú Xuyên, nặn bong bóng thành những đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, làm nón… Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian truyền thống như đánh chắt, chơi chuyền, ô ăn quan, nhảy dây…
Tại khu vực đồi thông A2, có chương trình giới thiệu ẩm thực, đặc biệt là những món quà ăn vặt dành cho là các bạn trẻ, thiếu nhi, khách gia đình…
Bên cạnh đó, chương trình trải nghiệm văn hóa gắn với các không gian đồng bào dân tộc giúp các bạn nhỏ tìm hiểu các trò chơi dân gian, kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội..., cùng các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống… của các dân tộc.
Tại mỗi điểm làng là một hoạt động trải nghiệm, tương tác cùng du khách. Khách tham quan sẽ cùng với các chủ thể văn hóa tham gia vào quá trình làm, tạo sản phẩm, nghe chính đồng bào kể chuyện, hướng dẫn, thao tác, cùng nhau làm và có quà mang về cho gia đình.
Vào các dịp cuối tuần, tại Làng có tái hiện Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Gia Rai tỉnh Gia Lai, ngày hội gia đình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại “Ngôi nhà chung”, trong đó tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, giới thiệu vẻ đẹp trong trang phục truyền thống của người phụ nữ trong gia đình cùng nét đẹp trong nghề dệt truyền thống tại Làng.
Cũng trong dịp cuối tuần, còn có Ngày hội Văn hóa gia đình của cộng đồng các dân tộc tại “Ngôi nhà chung”.
Ngoài ra, hằng ngày, tại Làng còn có hoạt động của các nhóm nghệ nhân với chủ đề “Thiếu nhi với nét văn hóa truyền thống các dân tộc” giới thiệu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà-phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...; trình diễn nghề thủ công, giới thiệu nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết