Quang cảnh Hội nghị.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chủ trì hội nghị.
Triển khai kế hoạch năm học linh hoạt
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học. Cùng với đó, Bộ cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ dạy học trực tuyến nhằm kịp thời giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến.
Khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá trực tiếp, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.
Duy trì chất lượng giáo dục các cấp học
Năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục các cấp học được củng cố và duy trì. Theo đó, đối với giáo dục mầm non, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Đối với giáo dục phổ thông, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy các môn học phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm tính khoa học, không gây áp lực đối với học sinh. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%.
Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội. Cụ thể có 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 5 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm.
Đối với giáo dục thường xuyên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32%.
Cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước
Năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động.
Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng giáo dục đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9 nghìn giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, cả nước có khoảng 459.100 phòng học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 390.834 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 85,1%.
Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ năng dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và tổ chức tập huấn cho gần 9 nghìn giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ, xuống cấp đã dần được khắc phục. Sĩ số học sinh/lớp cơ bản được thực hiện theo quy định, nhiều địa phương đã chú ý thực hiện các giải pháp bảo đảm thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành
Toàn ngành đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.
Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành. Số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý, trong đó có 51 nghìn trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe…); hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn). Từ đó, ứng dụng có hiệu quả trong quản lý giáo dục đồng bộ trên phạm vi toàn quốc về: quản lý thừa, thiếu và đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên; bước đầu số hóa thông tin phục vụ quản lý sức khỏe học sinh trên cả nước...
Gửi phản hồi
In bài viết